Chuyện đời

Cty đa cấp dụ CTV bán online bỏ tiền tỉ mua mỹ phẩm rồi khóc hận như thế nào?

Đăng ký làm CTV bán mỹ phẩm online, nhiều người ngỡ ngàng vì nghĩ đây là việc nhẹ lương cao, sắp giàu đến nơi vì khách đặt mua hàng tới tấp những tuần đầu. Tưởng làm giàu không khó nên CTV cố kiếm vài trăm triệu hay tỉ đồng để nhập mỹ phẩm về bán trên Facebook thì từ đó không thấy khách đặt mua nữa. Có thể đó là khi CTV nhận ra mình đã bị lừa.

CTV khóc hận vì bỏ số tiền lớn mua mỹ phẩm về bán trên Facebook

Chuyên gia N.K chia sẻ bài viết lật tẩy chiêu trò dụ cộng tác viên (CTV) bỏ tiền nhập mỹ phẩm về bán trên Facebook của các công ty đa cấp:

Đầu tiên, tôi xin lỗi những hãng mỹ phẩm làm ăn chân chính. Tôi có đôi điều tâm sự về đa cấp bán mỹ phẩm trên Facebook.

1. Đầu tiên họ sẽ cho nhân viên mời chào bạn làm CTV bằng cách chỉ cần đăng bài lên trang Facebook cá nhân. Khi có khách đặt mỹ phẩm, họ sẽ gửi hàng cho bạn bán và bạn được hưởng 10%.

2. Sau khi bạn đăng lên Facebook thì sẽ có tầm vài chục con chim lợn từ từ đặt hàng của bạn, toàn khách lạ nhé! Có thể 1-2 tuần đầu, bạn sẽ bán được 30-50 triệu doanh thu nhưng thực chất đó là người của chúng gài vào để lấy hàng của bạn.

3. Sau đó, họ mời bạn đi dự hội nghị abcd ở khách sạn này nọ thật hoành tráng, tôn vinh trao thưởng cho những đại lý xuất sắc, tháng vừa qua đoạt doanh thu vài trăm đến cả tỉ đồng, rồi lên chia sẻ kiểu: Nào là trước cũng không biết gì, từ khi vào đây chịu khó đăng bán hàng lên trang cá nhân và cứ thế bán đượckhiến cho my bạn CTV ảo tưởng.

4. Khi con mồi đã say và mắc bẫy, họ mới tiếp cận bảo làm đại lý và ra những gói nhập mỹ phẩm hấp dẫn để dụ dỗ. Ví dụ lấy 100 triệu tiền hàng thì được chiếu khấu 30%, lấy 200 triệu thì được chiết khấu 35%… Các con mồi thường sập bẫy vì trước đó nghĩ mới đăng 1-2 tuần đã bán được 30-50 triệu đồng rồi, giờ bỏ 100 triệu ra được hẳn 30% thì sao mà không bán được. Vậy là các CTV thi nhau lấy về bán.

Chúng sẽ xem điều kiện của từng con mồi để tính toán. Ví dụ con mồi A có thể mua được cả t tiền hàng thì chúng sẽ thả cho những đơn đầu nhập về bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu.

5. Khi con mồi đang say trong chiến thắng, chúng ra một gói mới là lấy 1 t được hưởng chiếu khấu 55-60%. Khi đó con mồi tưởng ngon, dồn hết tiền vào lấy, nhưng từ khi lấy hàng 1 tỉ đồng về thì gần như không bán được cái gì cả. Thế là chúng nhẹ nhàng kiếm của con mồi 500 triệu, trừ hết mấy lần thả câu vẫn kiếm được 400 triệu.

6. Các bạn đừng ảo tưởng bán hàng trên Facebook là dễ và đơn giản. Facebook sống bằng tiền quảng cáo, nên các bạn đừng có mơ cứ đăng lên trang cá nhân sẽ có tương tác và bán được hàng.

Khi các bạn đăng ảnh một buổi đi chơi hay gặp mặt sẽ nhiều like, bình luận và tương tác. Thế nhưng chỉ cần đăng bán hàng lên thôi, bạn chỉ còn 1% tương tác và cũng chẳng còn nhiều like đâu.

Đừng mơ bán hàng trên Facebook mà không phải trả tiền cho nó. Thế nên đừng ảo tưởng nhập mấy cái mỹ phẩm kem trộn vớ vẩn về bán. Hầu hết mỹ phẩm đều đưa từ Trung Quốc về Việt Nam, đóng gói bao bì thành một hãng gì đó và giá thành rất rẻ.

Status tuyến CTV bán mỹ phẩm online với thu nhập hấp dẫn.

Với kinh nghiệm bán mỹ phẩm 7 năm, chị L.L.P (Hà Nội) khẳng định những gì chuyên gia N.K nêu trên là chuẩn và không khó để nhận ra đâu là bình luận ảo để bán hàng. “Có không ít người bị lừa đi theo mấy hệ thống này để bán hàng. Khách ở đâu mà dễ mua hàng, dễ bỏ tiền ra vậy?”, chị L.L.P chia sẻ thêm.

Những màn múa lưỡi dụ khách chi tiền tại hội thảo của đại lý mỹ phẩm

Theo báo Tổ Quốc, khi đến các hội thảo, người của đại lý phân phối mỹ phẩm dạng đa cấp thường dụ con mồi bằng thông điệp: “Muốn kinh doanh, bạn cần phải đặt mình vào địa vị của khách hàng trước đã. Bạn phải bỏ vốn nhập hàng về vừa để bán, vừa để trải nghiệm. Khi đóng vai một vị khách trải nghiệm sản phẩm thì bạn mới hiểu kết cấu và ưu điểm cũng như công dụng của từng loại sản phẩm. Bạn phải là người đã trải nghiệm, thích sử dụng sản phẩm và có niềm tin với sản phẩm đang bán thì mới tạo được động lực bán hàng, khách mới có thể tin cậy để sử dụng vào sản phẩm của mình. Có như vậy, bạn mới thực sự truyền được lửa tới khách hàng của mình…”.

Những người này khoe đang làm đại lý phân phối cho dòng mỹ phẩm, việc của họ là bán được hàng, càng nhiều đơn hàng càng tốt. Để bán được hàng, ngoài việc hàng ngày lên Facebook cá nhân, cập nhật thông tin, sản phẩm mới… thì khoảng 2–3 tháng một lần, họ sẽ tổ chức buổi hội thảo mời các khách tiềm năng tham dự.

Các buổi hội thảo này thường được công ty hỗ trợ một phần kinh phí và có thể cử “chuyên gia” về để truyền lửa. Đối tượng họ mời tới tham dự các buổi hội thảo này ban đầu là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bạn trên mạng xã hội…

Tới đây, mọi người được ăn uống, nghe “chuyên gia” chia sẻ về cách kiếm được nhiều tiền bằng việc kinh doanh mỹ phẩm online, lúc về lại còn được tặng một vài chai nước hoa hay kem trắng da….Vì vậy, các buổi hội thảo thường thu hút khá đông khách đến tham dự, đặc biệt là những bạn nữ. Quan trọng nhất, sau mỗi buổi hội thảo, người tổ chức dự hội thảo lại có thêm không ít đơn hàng từ chính người tham dự khi họ bỏ tiền và đăng ký trở thành chi nhánh. Song chưa rõ bao nhiêu trong số đó là người mà họ cài vào để tạo hiệu ứng.

Trong các buổi hội thảo, người tổ chức sẽ bố trí “chuyên gia” của công ty lên phát biểu, giới thiệu về công ty, sản phẩm và hướng dẫn cách làm giàu. Tiếp đó sẽ là phần chia sẻ của một trong số các nhà phân phối trong đại lý. Đây được coi như một minh chứng sống động cho việc làm giàu không khó mà các “chuyên gia” vẽ ra khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Những buổi hội thảo như thế này thu hút nhiều bạn nữ tham dự với mong muốn có cơ hội kiếm thật nhiều tiền – Ảnh: Vi Phong

Có rất nhiều cách chia sẻ, cách thể hiện của các nhân vật này, nhưng mô típ quen thuộc như: “Tôi là mẹ bỉm sữa với 2 đứa con… Công việc của tôi là công nhân hoặc nhân viên văn phòng nhưng mức lương vẫn chưa đủ lo cho cuộc sống của cá nhân và gia đình, rồi một ngày đẹp trời tôi đã gặp được chị…Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về công ty cũng như sản phẩm, tôi quyết định chọn nghề kinh doanh mỹ phẩm online. Tôi đã được đào tạo và truyền đạt tất cả những gì cần thiết cho công việc. Từ cách đăng bài – lưu ảnh – cách tạo trang cá nhân với mục đích kiếm được thật nhiều tiền. Bạn hãy làm đi, cứ cố gắng rồi sẽ được đền đáp. Rất nhiều bạn đã cố gắng và đã được vinh danh…”.

Nếu đồng ý trở thành nhà phân phối mỹ phẩm thì phải nộp tiền. Số tiền này để nhập lô hàng đầu tiên gồm (son, kem dưỡng da, dưỡng tóc, kem tẩy trắng….) để sử dụng và cảm nhận về sản phẩm trước, sau đó mới biết cách tư vấn, giới thiệu với khách. Nhập càng nhiều hàng càng được chiết khấu cao như nêu trên.

Ngay trong buổi hội thảo này, nếu ai đăng ký trở thành nhà phân phối sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và có cơ hội trúng thưởng. Sau khi nhận đủ tiền, đại lý sẽ gửi hàng về cho nhà phân phối.

7 dấu hiệu nhận biết mỹ phẩm đa cấp lừa đảo

1. Hưởng lợi nhuận cao phi lý:

Mỹ phẩm đa cấp chào mời khách hàng nộp tiền tham gia và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, rồi yêu cầu lôi kéo những người khác tham gia để hưởng hoa hồng.

2. Bán hàng nhưng không có hàng:

Mỹ phẩm đa cấp không có hàng xuất để trả người mua nên khuyến khích người mua gửi lại kho công ty, khi nào bán hàng thì đến lấy.

3. Giá ảo:

Mỹ phẩm đa cấp đẩy giá bán cho người tham gia bán hàng đa cấp lên quá cao so với giá mua vào.

4. Công dụng ảo:

Mỹ phẩm đa cấp thổi phồng công dụng của sản phẩm để dụ dỗ người dân mua hàng.

5. Đánh vào hư danh:

Mỹ phẩm đa cấp tư vấn để người dân mua số lượng lớn vượt quá khả năng tiêu thụ để được lên cấp như trưởng nhóm, phó phòng kinh doanh…

6. Chơi chiêu khi khách khiếu nại:

Khi khách mua hàng nhưng không có khả năng tiêu thụ hoặc không có nhu cầu sử dụng, muốn trả lại thì công ty mỹ phẩm đa cấp tìm mọi cách trì hoãn việc trả hàng để quá thời hạn được phép trả hàng. Khi đó công ty sẽ không có trách nhiệm mua lại hàng.

7. Hoạt động trái phép:

Công ty chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn đi giới thiệu chào mời, lôi kéo người dân tham gia.

Sản phẩm của đa cấp online: Giá đắt cắt cổ, chất lượng bèo bọt.

Nguồn:Baomoi.com

Bài viết nổi bật

To Top