Không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ song Bộ Tài chính ban hành thêm các điều kiện chặt chẽ…
Bộ Tài chính vừa thông tin làm rõ một số điểm mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi đang được trình Quốc hội trong dự án 1 luật sửa 7 luật. Một trong những điểm nổi bật là bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
NHÀ ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP PHẢI NHẬN DIỆN ĐƯỢC RỦI RO
Cụ thể, Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến bổ sung Điều 11 như sau:
a) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 như sau:
“e) Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
b) Bổ sung khoản 1a và khoản 1b vào sau khoản 1 như sau:
“1a. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều này được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
1b. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm;
b) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.”
Nêu rõ lý do bổ sung quy định này, Bộ Tài chính cho rằng bản chất trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm tài chính mang tính chất trung và dài hạn, có độ rủi ro cao do kỳ hạn trái phiếu tương đối dài. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể có gặp các yếu tố không thuận lợi, khó có thể dự đoán được trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong tương lai.
Chính vì thế, theo thông lệ chung tại các nước, chỉ có số lượng nhỏ nhà đầu tư đáp ứng điều kiện hay nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
“Những nhà đầu tư này có năng lực đánh giá, phân tích tình hình doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro đối với các khoản đầu tư”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Bản chất của một đợt phát hành riêng lẻ là bán cho một số đối tượng nhà đầu tư xác định, trong phạm vi giới hạn (không mang tính chất rộng rãi ra công chúng) và thường là những nhà đầu tư có hiểu biết sâu về tình hình doanh nghiệp phát hành cũng như có bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ để thu thập thông tin, phân tích, đánh giá một cách chuyên nghiệp.
Về thực tiễn, mặc dù cơ quan quản lý đã thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhưng thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
“Chẳng hạn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, số lượng nhà đầu tư cá nhân mua, nắm giữ trái phiếu tương đối lớn, trong khi đây là đối tượng nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, chưa đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu”, Bộ Tài chính nêu thực tế.
LỐI THOÁT PHÁT HÀNH CHO DOANH NGHIỆP THUA LỖ
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó đại đa số là doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và pháp luật doanh nghiệp đều ghi nhận các doanh nghiệp này có quyền phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Như vậy, kể cả doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, năng lực tài chính hạn chế vẫn có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức để huy động vốn.
Nhà đầu tư tổ chức thường là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư và dám chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư tổ chức sẽ phân tích, lựa chọn loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với định hướng đầu tư.
“Nếu đặt vấn đề theo hướng nâng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (như yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi) sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu và doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, do các doanh nghiệp này sẽ không thể đáp ứng được điều kiện phát hành để huy động vốn”, Bộ Tài chính nhìn nhận.
Đối với các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh và tình hình tài chính tốt, bên cạnh kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức có thể lựa chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để tiếp cận đối tượng nhà đầu tư rộng hơn (gồm cả nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân).
Cũng theo Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân, yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng phải xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong các trường hợp cụ thể, tương tự như đối với chào bán ra công chúng.
Đồng thời, quy định yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ không là người có liên quan để chống sở hữu chéo; trái phiếu phải đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán; tạo khung khổ pháp lý để đàm phán giãn, hoãn thời gian trả nợ trái phiếu, thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.
Theo đó, góp phần giúp tổ chức phát hành có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Đồng thời, để giảm thiểu rủi ro, tạo nền tảng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, cần thiết phải có thời gian để các chủ thể tham gia thị trường (doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ) nhận thức đầy đủ về bản chất và đặc tính của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, rủi ro và cơ hội khi tham gia thị trường này.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính khẳng định việc quy định giới hạn nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại cấp Luật là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.
Đồng thời, định hướng nhà đầu tư cá nhân thay vì tự đầu tư thì tham gia đầu tư qua các quỹ đầu tư hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được quản lý bởi công ty quản lý quỹ và trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành như Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có ý kiến tại báo cáo thẩm tra.
Tuy nhiên, để tiếp thu tối đa ý kiến thẩm tra, Chính phủ đã đánh giá thêm về việc tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.
NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN CHUYÊN NGHIỆP CHỈ ĐƯỢC MUA 2 LOẠI TRÁI PHIẾU
Để khắc phục các hạn chế của thị trường trong thời gian qua khi nhiều nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, quản trị rủi ro, tham gia vào thị trường và nhằm nâng cao chất lượng của thị trường, tiếp tục phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh sửa lại dự thảo Luật theo hướng cho phép bổ sung đối tượng tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân khi đáp ứng điều kiện cụ thể trong các trường hợp sau đây.
Một là, tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng;
Hai là, có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.
“Đối với trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên thì sẽ có mức độ rủi ro thấp hơn nên việc cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng đối với các trái phiếu đáp ứng điều kiện kiện trên sẽ góp phần tạo điều kiện tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn”, Bộ Tài chính đánh giá.
Góp ý về quy định này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (tỉnh Bắc Ninh), việc hạn chế các nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép mua trái phiếu có tài sản đảm bảo, có bảo lãnh của tổ chức tín dụng có thể gây ra sự can thiệp không cần thiết vào thị trường.
Theo đại biểu, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có sự hiểu biết sâu sắc, có khả năng đánh giá và quản trị rủi ro cao hơn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có quyền tự do tiếp cận các sản phẩm đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau.
“Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có quyền tự do chọn lựa loại trái phiếu phù hợp với khả năng tài chính và chấp nhận rủi ro của họ, dựa trên thông tin công khai từ các doanh nghiệp và tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập”, ông So nêu quan điểm.
Tại Singapore, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, nhà đầu tư chuyên nghiệp có quyền mua trái phiếu không đảm bảo từ các doanh nghiệp có hồ sơ tài chính minh bạch. Chính sách này giúp tăng cường khả năng huy động vốn của doanh nghiệp mà không phải chịu các ràng buộc pháp lý.
Vì vậy, thay vì giới hạn quyền của nhà đầu tư, đại biểu cho rằng nên tập trung vào các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch thông tin và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, để họ có thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm đối với các giao dịch của mình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn…
Trong thời đại số hóa ngày nay, thông tin là một trong những tài sản…
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh,…
Kết quả 16,15 tỷ USD đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng…
hị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD…
Đến nay, vùng Đông Nam Bộ mới chỉ giải ngân hơn 45.594 tỷ đồng vốn…