Chuyện đời

Phúc phận lớn nhất đời người không do bạn làm chủ, mà phụ thuộc vào khẩu khí của các thành viên trong gia đình

Gia đình giống như một nồi lẩu, mỗi thành viên đều có thể bỏ vào đó những nguyên liệu yêu thích của mình. Nhưng quyết định độ ngon của nổi lẩu, luôn luôn phụ thuộc vào độ gia giảm khéo léo của vợ chồng.

Phúc phận lớn nhất đời người không do bạn làm chủ, mà phụ thuộc vào khẩu khí của các thành viên trong gia đình

Có một gia đình với 5 thành viên cùng chung sống bên nhau. Người chồng tên David làm nghề luật sư. Cô vợ Caroline ở nhà làm nội trợ. Cô con gái lớn Claudia năm nay 16 tuổi – cái tuổi ẩm ương khiến bậc làm cha mẹ phải đau đầu. Cậu con trai Dan và bé út Laura tuổi còn nhỏ, lại luôn phải chứng kiến những cuộc cãi vã trong gia đình.

Gia đình luôn rơi vào cảnh lục đục và bất hòa vì chuyện Claudia trốn học, bỏ nhà ra đi và luôn xung đột với bố mẹ. Thậm chí, Caroline còn từng phát hiện ra con gái có ý định tự sát. Vì vậy, hai vợ chồng đành mang Claudia đến cầu cứu sự trợ giúp của các bác sỹ tâm lý. Tại đây, những mâu thuẫn sâu sắc trong gia đình tưởng như rất hạnh phúc này dần được hé lộ.

Phúc phận lớn nhất đời người không do bạn làm chủ, mà phụ thuộc vào khẩu khí của các thành viên trong gia đình - Ảnh 1.

1 – Vấn đề của con trẻ tiết lộ những mâu thuẫn trong hôn nhân

Trong thời gian trị liệu, David thường để cho vợ hỏi thăm bác sĩ về sức khoẻ của con gái. Nhưng theo bác sỹ tâm lý, đó không phải là cách hay. Hiện nay, nhiều ông chồng chỉ biết đi làm, phó mặc toàn bộ trách nhiệm chăm lo con cái và gia đình cho vợ. Nhưng nếu đã có ai trong gia đình xảy ra vấn đề gì, thì bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng phải có một phần trách nhiệm. Vì vậy, các bác sỹ đã yêu cầu David thay đổi. Không được thoái thác trách nhiệm cho vợ, anh phải tự tìm hiểu về bệnh tình của con gái mình

Khoảng từ một năm trước, tâm lý của Claudia bắt đầu thay đổi. Cho dù là chuyện gì, cô bé cũng hay nổi nóng và cãi nhau với mẹ. Hai vợ chồng lại có quá nhiều bất đồng xung quanh chuyện giáo dục Claudia. David cho rằng Caroline quá nghiêm khắc nên hay bảo vệ con gái. Tuy nhiên động thái này chỉ khiến Caroline tức giận hơn và tình hình thêm tồi tệ. Sau khi thấy con gái ngày càng quá đáng, David lại chuyển sang ủng hộ vợ. Nhưng như vậy cũng không giúp anh xoay chuyển tình thế. Chỉ đến khi phát hiện ra Claudia giấu chuyện qua đêm bên ngoài không về nhà, David mới nổi trận lôi đình. Bấy lâu nay, anh luôn nghĩ gia đình mình là gia đình hạnh phúc. Chính Claudia đã phá vỡ tất cả. Nhưng liệu thực tế có như anh nghĩ không?

Trùng hợp thay là cả hai vợ chồng họ đều có suy nghĩ giống nhau. Họ đều đổ hết mọi tội lỗi lên cô con gái. Thậm chí khi vào phòng trị liệu, bác sỹ muốn để cho hai mẹ con nói chuyện. Nhưng chỉ được vài câu, hai mẹ con lại bắt đầu to tiếng.

Nhắc đến chuyện con gái, hai vợ chồng đều rất lo lắng. Nhưng khi hỏi đến các vấn đề khác, hai người lại lảng tránh. Những góc khuất mà họ đang che giấu dần được đưa ra ánh sáng qua lời kể của cậu bé Dan.

Dan nghĩ chị gái không hề hư như lời bố mẹ nói. Dưới góc nhìn của Dan, chị chỉ bừa bộn và lười biếng. Khi mẹ tức giận và lớn tiếng trách mắng chị, chị sẽ nhốt mình trong phòng và đợi bố về để kể khổ. Sau đó, bố mẹ lại tiếp tục cãi nhau vì chuyện của chị. Cậu bé hay phải nghe thấy việc bố mẹ mỉa mai, trách móc lẫn nhau. Bố thì không thích việc bà ngoại thường xuyên xen vào việc riêng của gia đình, còn mẹ thì trách bố suốt ngày ở lỳ trong phòng, không chịu quan tâm tới gia đình.

Đối diện với lời buộc tội của bố mẹ, Claudia cảm thấy rất oan ức. Cô nói mình bỏ nhà ra đi vì không thể chịu đựng nổi những trận chiến tranh lạnh của bố mẹ. Cô cảm thấy bản thân trong nhà không có tiếng nói, không có địa vị, lại còn phải chịu đựng việc luôn bị mẹ quản thúc mọi lúc mọi nơi. Cô cho rằng bố mẹ không muốn cô.

Sau vài lần trò chuyện, hai bác sỹ nhận ra mọi chuyện thật không đơn giản. Những vấn đề không chỉ xuất phát từ phía cô con gái. Nhiều lúc, mâu thuẫn của người lớn chỉ là vấn đề riêng của hai người, nhưng con trẻ ở giữa lại phải hứng chịu tất cả.

Phúc phận lớn nhất đời người không do bạn làm chủ, mà phụ thuộc vào khẩu khí của các thành viên trong gia đình - Ảnh 2.

2 – Tưởng là chuyện dạy con hóa ra lại chỉ là chuyện giữa hai người lớn

Caroline hay trách mắng con gái chỉ vì Claudia có tính cách giống hệt bố. Cô bé chỉ thích ở trong phòng của mình, thờ ơ với mọi chuyện. Chỉ cần thấy con gái ở gần với chồng là Caroline lại cảm thấy khó chịu. Cô mắng con mà thực ra là muốn để cho chồng nghe. Việc này vừa giúp cô giải tỏa bức xúc, vừa giúp cô tránh được việc vợ chồng lời qua tiếng lại.

Claudia trở thành con tin trong chính cuộc chiến giữa bố mẹ mình. Nhưng cô bé cũng không hoàn toàn vô can trong tấn bi kịch này. Claudia đã lợi dụng bố để chống đối lại mẹ. Vì vậy, trận chiến này là do ba người gây ra.

Hai người lớn không còn yêu thương quan tâm nhau nữa. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình đó cũng vô tình bị kéo vào sự bất hạnh này. Khi lớn lên, chúng sẽ vô thức lặp lại sai lầm của thế hệ trước. Vấn đề của mỗi đứa trẻ không chỉ là vấn đề của tự thân nó mà còn là hiện thân của những mâu thuẫn trong hôn nhân của người lớn.

Bạn tưởng như đó chỉ là chuyện dạy con, nhưng lại bao hàm cả những góc tối của một cuộc hôn nhân đau khổ. Sau này, nó sẽ góp phần tạo nên nhân cách của mỗi cá nhân. Tâm lý chống đối bố mẹ của Claudia cũng đã dần dần được hình thành như vậy.

Hai vợ chồng vẫn luôn từ chối tiết lộ sự thật. Họ đang cố bảo vệ danh dự của mình. Sau cùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sỹ, những khúc mắc trong bấy lâu nay mới được gỡ bỏ.

Caroline dù đã là mẹ nhưng tâm hồn lại mong manh như một đứa trẻ. Khi cãi nhau với con, cô không thể kiềm chế bản thân và luôn là người thua cuộc. Trong thời gian trị liệu, tâm lý cô không ổn định, buồn vui thất thường. Các bác sỹ đã phát giác ra điều này và yêu cầu cô kể về mối quan hệ với mẹ mình – hình mẫu lý tưởng của cô. Cô nói: “Tôi vẫn luôn rất sợ mẹ.”

Mẹ cô là người đã nuôi sống cả gia đình. Cha cô vì sức yếu nên không đỡ đần được gì nhiều cho vợ. Vì vậy, mẹ cô thường hay cáu giận với cha cô, thậm chí còn giận lây sang cả cô nữa. Caroline quen với việc phải làm vừa lòng mẹ. Dù cô có cố gắng thế nào, thì cũng không thể làm mẹ cô hài lòng. Tuy nhiên, cô cũng chưa bao giờ phản kháng lại mẹ. Caroline đã bị tổn thương quá nhiều vì mẹ, nhưng trớ trêu ở chỗ, cô cuối cùng trở thành bản sao hoàn hảo của mẹ mình.

David hiểu và thông cảm cho những tổn thương của vợ. Thậm chí, anh còn muốn chữa lành những vết thương ấy. Nhưng khi thấy vợ quá để tâm đến việc dạy con mà ngó lơ mình, David cảm thấy rất bực dọc. Bởi tự thân anh cũng có những vấn đề của riêng mình.

Trước đây, cha của David là người thành đạt, đã vạch sẵn tương lai cho sự nghiệp của anh. Điều này làm David cảm thấy khó chịu và xấu hổ vì không được tự lập. Lòng tự trọng của một người đàn ông bị chà đạp, David chỉ muốn chứng minh cho cha mình thấy năng lực thực sự của bản thân.

Caroline một mặt thấu hiểu khao khát của chồng, một mặt lại cảm thấy đáng ghét. Cô nghĩ chồng mình quá chú trọng vào công việc mà không quan tâm đến gia đình. Cứ như vậy, hai người ngày càng xa cách nhau. Một lần nói chuyện, Caroline đã động vào lòng tự ái của chồng khiền David nổi cơn thịnh nộ. David lớn tiếng: “Thế cô còn muốn tôi phải như thế nào nữa? Tôi chỉ là một người bình thường thôi.” Caroline chỉ biết im lặng để kìm lòng không được khóc to.

Bóng ma tâm lý của ngày bé chợt trở về, khiến cô cảm thấy sợ hãi và bất lực. David và Caroline luôn muốn giúp đối phương đối diện và chấp nhận đau khổ. Mỗi người sẽ trở thành chỗ dựa cho người còn lại. Nhưng cách này chẳng có tác dụng gì. Thậm chí ỷ lại quá nhiều sẽ khiến đối phương cảm thấy bực dọc và dễ dẫn đến xích mích.

Những cuộc cãi vã là gông cùm của hôn nhân, là những cái cớ để họ trốn tránh bản ngã của mình. Hai người không nói ra miệng vì sợ sẽ đánh mất tình cảm nên chỉ biết trút giận lên đầu con trẻ. Lâu dần, con trẻ không còn cảm nhận được sự ấm áp của gia đình, sẽ trở nên ích kỷ và không còn muốn quan tâm đến người khác. Kết quả là con cái chống đối cha mẹ và vợ chồng bất hòa, lục đục.

Phúc phận lớn nhất đời người không do bạn làm chủ, mà phụ thuộc vào khẩu khí của các thành viên trong gia đình - Ảnh 3.

3 – Hãy tự cởi nút thắt cho chính mình

Gia đình trong câu chuyện trên sau cùng đã hóa giải được mọi khúc mắc. Cô con gái lớn du học tại Paris. Người vợ ngày càng trở nên độc lập. Cuộc sống vợ chồng ngày càng vui vẻ và hòa thuận.

Nếu muốn giải quyết vấn đề trong cuộc sống vợ chồng, hai người phải luôn giữ được chính mình. Trong hôn nhân, hai người dù luôn gắn kết nhưng cũng vẫn phải duy trì được sự độc lập.

Một cuộc hôn nhân tồi tệ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho mỗi thành viên trong gia đình. Những vết thương này sẽ theo người đó suốt đời. Để vết thương không còn tấy đỏ, chúng ta phải thẳng thắn đối diện với vấn đề. Hãy học cách kết nối với yêu thương và buông bỏ đi những đau khổ.

Chỉ cần bạn nhận ra được việc bạn đang có một gia đình “độc hại”, bạn hoàn toàn có cơ hội xây dựng lại một gia đình mới. Gia đình giống như một nồi lẩu, mỗi thành viên đều có thể bỏ vào đó những nguyên liệu yêu thích của mình. Nhưng quyết định độ ngon của nổi lẩu, luôn luôn phụ thuộc vào độ gia giảm khéo léo của vợ chồng.

Hãy lấy những đau thương của bạn trong cuộc sống cũ làm bài học và động lực để xây dựng một gia đình mới tốt hơn. Tuyệt đối đừng đem chuyện của người lớn trút lên đầu con trẻ thơ ngây. Chúng ta không thể thay đổi nơi mình đã sinh ra, nhưng chúng ta được quyền xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/phuc-phan-lon-nhat-doi-nguoi-khong-do-ban-lam-chu-ma-phu-thuoc-vao-khau-khi-cua-cac-thanh-vien-trong-gia-dinh-520205910128820.htm

Bài viết nổi bật

To Top