Nếu bạn muốn một công việc tốt hơn, hãy bắt đầu với thái độ tốt hơn.
Nếu bạn muốn theo đuổi ước mơ, hãy bắt đầu với “thái độ trong mơ”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều lời khuyên chân thành của Jon Acuff trong cuốn sách Nhảy việc hay thay đổi chính mình. Là người từng trải qua nhiều lần nhảy việc vì những lý do chủ động lẫn bị động, với tinh thần tích cực và cả tiêu cực, tác giả sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về nhảy việc. Nhảy việc đơn giản là Làm lại từ đầu, với một tinh thần và một nhận thức mới.
Hiếm có ai chưa một lần nhảy việc trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Nhưng có những lúc bạn nhảy việc bất đắc dĩ dù chưa được chuẩn bị. Sau đây là câu chuyện về người hàng xóm của Jon Acuff với biến cố đột ngột mất việc.
Khi nhân viên tốt bị đuổi việc
Vào một ngày thứ Sáu nọ, Nate, anh hàng xóm của tôi bị mất việc.
Nếu bạn từng được mời họp riêng với sếp lúc chiều muộn của ngày thứ Sáu thì đó không phải một cuộc họp mà là một cái bẫy vụng về.
Sự nghiệp của Nate đã nhanh chóng thay đổi vào ngày hôm đó.
Đột nhiên, cuộc đời anh ấy trở nên bấp bênh một cách đầy bị động.
Tôi đã hẹn đi cà phê với anh ấy một tuần sau đó.
Vẫn chưa hết sửng sốt, anh ấy kể với tôi cảm giác của mình khi bị mất đi một công việc mà anh đã gắn bó suốt tám năm.
Anh ấy làm việc rất tốt và luôn đạt doanh số. Mọi người yêu mến anh ấy. Khách hàng còn nhắn tin chia buồn với anh ấy vào những ngày sau đó. Anh ấy đã và vẫn là một người tuyệt vời.
Nhưng anh ấy lại gặp rắc rối.
Được bao bọc suốt tám năm trong một công ty lớn, an toàn và rồi đột nhiên anh ấy bị ném ra đường. Mái ấm sự nghiệp mà lâu nay anh ấy gây dựng đã không còn nữa, và phần còn lại của thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi Nate bước vào vòng xoáy công việc đó.
Nate nói đầy bức xúc: “Tôi thậm chí còn không biết cách dùng LinkedIn.”
Không ai mong chờ sự thay đổi công việc đột ngột, đó là lý do vì sao người ta thấy bất ngờ khi bị như vậy. Và nếu bạn đã đi làm được hơn một năm, có thể bạn từng thấy việc tương tự xảy đến với bạn hoặc một người bạn quen. Một con sóng mang tính cách mạng của công ty khiến chiếc thuyền chao đảo.
Giữa những đợt sóng dữ dội khi thay đổi công việc, còn có những vấn đề khác tuy ít cấp bách hơn nhưng cũng đe dọa đến công việc của chúng ta, ví dụ như Đỉnh cao của sự nghiệp.
Bi kịch đỉnh cao sự nghiệp
Đỉnh cao của sự nghiệp là bậc cao nhất trong nấc thang sự nghiệp. Đó là đỉnh cao mà một công việc bất kỳ sẽ đưa bạn đến. Tôi đã từng đạt được đỉnh cao đó khi đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Thiết kế nội dung tại một công ty phần mềm.
Tôi bắt đầu làm việc tại đó như một nhà thầu. Thời gian trôi đi, tôi đã có được chỗ đứng thật sự trong công ty, và trong vài năm, chức vụ của tôi là Trưởng phòng Thiết kế nội dung. Đó là lúc tôi thực sự đã đi đến đoạn cuối con đường sự nghiệp của mình.
Ở vị trí đó, tôi kiếm được nhiều tiền nhất trong đời mình và không phải làm bất kỳ công việc viết lách nào trong công ty. Cách duy nhất để tôi tiến thân là trở thành giám đốc sáng tạo, và điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ quản lý các nhà thiết kế và những người viết quảng cáo. Đó là lựa chọn tuyệt vời đối với một số người, nhưng đối với tôi thì việc đó đồng nghĩa với việc tôi ít được làm công việc viết lách mà tôi thực sự yêu thích hơn.
Tôi 32 tuổi và cuộc sống của tôi trở nên trì trệ một cách thầm lặng. Trong những năm tháng đó, vài ba lần tôi được tăng lương chút ít và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, nhưng về cơ bản thì đó vẫn là sự trì trệ.
Về sau vợ tôi cũng nói rằng cô ấy thực sự rất lo. Với hai đứa con nhỏ, một hợp đồng thế chấp và cuộc hôn nhân vừa mới bắt đầu, thật đáng sợ khi dồn 30 năm cuộc đời vào một sự nghiệp đơn điệu. Tôi không phải kiểu người thích phiêu lưu, nhưng “an phận” với một sự nghiệp ở tuổi 32 quả thật khó mà chấp nhận được.
Khi bạn đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, bạn chỉ có một số ít lựa chọn như sau:
1. Xin việc ở một công ty khác;
2. Làm một công việc mà bạn không thích, ví dụ như giám đốc sáng tạo;
3. Cam chịu và chết dần trong khoảng thời gian gần 30 năm.
Lựa chọn đầu tiên không giải quyết được gì ngoài trì hoãn mọi thứ. Bạn có thể có chức vụ khác và kiếm được nhiều tiền hơn. Ở công ty khác có thể cũng sẽ có vị trí “Quản lý của Trưởng phòng nội dung”, và rốt cuộc bạn sẽ nhận thấy mình lại đạt được đỉnh cao tương tự như trong công việc trước đó.
Ở lựa chọn thứ hai, bạn chỉ trao đổi nấc thang nghề nghiệp hiện tại để lấy một nấc thang khác. Kế hoạch này sẽ không hiệu quả bởi vì rốt cuộc, bạn chỉ làm thêm việc mà bạn vốn không thích ngay từ đầu. Nếu không muốn trở thành giám đốc sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy việc tiến lên theo nấc thang đó không phải là sự thăng tiến, mà là sự trừng phạt. Bạn sẽ còn lún sâu hơn vào sự nghiệp sai lầm đó.
Lựa chọn thứ ba là lựa chọn đáng chán nhất nhưng lại là lựa chọn thường thấy nhất. Đó là lý do vì sao vào năm 2013, 70% người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát của Gallup nói rằng họ ghét công việc đang làm hoặc cảm thấy thiếu gắn bó với công việc. Như một văn hóa, chúng ta tự lừa dối chính mình rằng làm việc là phải thật khổ sở. Nếu mọi người hạnh phúc với công việc của thì tại sao chúng ta sống để chờ tới cuối tuần? Bởi chúng ta thấy rằng những ngày trong tuần là lúc những giấc mơ chết lặng. Nếu đang trong giờ làm, bạn hãy ngẩng đầu lên mà xem, có bảy trong số mười người bạn thấy cũng đang chán ghét công việc. Không ai muốn gắn bó với công việc mà người đó không thích cả.
Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không diễn ra như vậy? Sẽ thế nào nếu ta có được công việc yêu thích ngay từ đầu? Sẽ thế nào nếu chúng ta không cố tránh nhảy việc, thay vào đó là thử nắm bắt chúng? Bởi vì việc đó đang xảy đến với tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta sẽ có lần Nhảy việc, trải qua những Cú hích trong công việc, đạt Đỉnh cao sự nghiệp và giành lấy Cơ hội nghề nghiệp.
Nguồn;Tri Thức Trẻ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn…
Trong thời đại số hóa ngày nay, thông tin là một trong những tài sản…
Không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu…
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh,…
Kết quả 16,15 tỷ USD đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng…
hị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD…