Nếu có một công thức có thể khơi gợi cảm hứng cho bạn – những công dân trẻ của thế giới này mỗi ngày, theo bạn đó sẽ là gì? Nhưng trước hết, bạn có muốn nghe câu chuyện về chú bé vàng của làng chăm chỉ không?
Chăm chỉ chưa hẳn giúp bạn thành công!
“Không được phép lười biếng!”. Đó có lẽ là câu nói mà tôi nhớ nhất suốt quãng đời đi học, mặc dù người nói ra không phải là cô giáo chủ nhiệm mà là mẹ tôi. Đúng, học hành là phải luôn tiến tới, giậm chân tại chỗ cũng đồng nghĩa với việc bạn đã lùi về sau một bước. Thế nên, chăm chỉ, chăm chỉ nữa, và chăm chỉ mãi gần như là phương châm của không chỉ tôi mà còn rất nhiều bạn trẻ khác. Chỉ có chăm chỉ mới giúp chúng ta hoàn thành mọi kế hoạch và thành công!
Nhưng khi bước ra khỏi đống kiến thức sách vở, chào tạm biệt ngôi trường và thầy cô bạn bè, bắt đầu va chạm với cuộc sống xung quanh, tôi chợt nhận ra chăm chỉ không phải là “người thầy” duy nhất trong mọi việc, và nó chẳng thể là mục tiêu duy nhất trong cuộc sống này, càng không bao giờ là cánh cửa nhiệm màu để bạn thành công.
Đôi lúc tôi cũng tự hỏi, tại sao mình cứ phải cắm cúi làm việc đến tận 11 hay 12 giờ khuya, trong khi một vài đồng nghiệp đã về từ lúc nào. Tại sao họ luôn hoàn thành công việc được như họ kì vọng và cảm thấy vô cùng thoải mái, trong khi bản thân mình suốt ngày cứ bị áp lực công việc đè nặng trên vai? Mãi cho đến một ngày, khi cả phòng cùng trình bày ý tưởng để trưởng nhóm lựa chọn, tôi mới tìm được câu trả lời.
Có một nhãn hàng về giới trẻ muốn làm chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm mới. Tôi đã dành hẳn 2 tuần để nghiên cứu tài liệu, xem video trên youtube và cập nhật tình hình mạng xã hội để lên một ý tưởng và tôi tự nghĩ “chẳng bao giờ có thể bị từ chối” được. Tôi thậm chí còn dự tính rằng sau khi được chọn, mình sẽ phải phát triển nó như thế nào trước khi trình bày với khách hàng. Và kết quả là gì bạn biết không, trưởng nhóm chọn ý tưởng còn lại!
Lần đầu tiên, sự chăm chỉ đã không giúp tôi giành được chiến thắng!
Luôn sẵn sàng và mạnh dạn đột phá!
Nhắc tới đây, không cần phải kể ra chi tiết, chắc chắn bạn cũng đoán ra được rằng phải có sự khác nhau giữa hai bản kế hoạch ấy nên mới có chuyện: “Một cái thì trên đỉnh, một cái dưới vực sâu”. Và bạn biết gì không, bản kế hoạch của tôi thua sút chỉ vì nó quá an toàn, chỉ tập trung vào những kiến thức hàn lâm và thiếu tính thực tế trong cuộc sống.
Nó đã “quá an toàn” vì không dám sử dụng những từ ngữ có thể gây tranh cãi nhưng lại phản ánh đúng bản chất vấn đề. Nó đã “quá hàn lâm” vì nhồi nhét quá nhiều từ ngữ chuyên môn – điều mà không bao giờ các bạn trẻ có thể hiểu được. Và cũng chính vì vậy mà ý tưởng đó càng lúc càng xa rời thực tế. Đương nhiên, sẽ chẳng nhãn hàng nào đồng ý “đốt tiền” cho một ý tưởng chẳng mấy sáng sủa như vậy cả!
Có người bảo rằng, đột phá chính là cho phép bản thân mình suy nghĩ khác đi một chút. Điều đó không sai, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Vì chính sự “khác đi một chút” đó nó có thể kéo bạn đến vô vàn điều lý thú khác mà có thể bạn chưa đủ sức mường tượng ra được. Tôi cảm giác sự đột phá nó còn cần đến một chút dũng cảm như một “chất xúc tác” cần thiết. Người bạn đồng nghiệp đó có thể không giỏi bằng tôi, nhưng cái quan trọng nhất là anh ta đã dũng cảm hơn tôi trong việc tự vượt qua giới hạn của sự sợ hãi thất bại.
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc rằng làm sao để bản thân có được đột phá, tôi cho rằng câu trả lời là chính cuộc sống của bạn. Đột phá có thể đến với bạn ngay từ những sự thay đổi nhỏ nhặt nhất, không chỉ gần gũi mà lại còn rất giản dị trong cuộc sống mà đôi lúc có thể bạn quên mất. Chẳng hạn như luôn mang bên mình một quyển sổ tay nhỏ để ghi lại những ý tưởng bất chợt khi đang ngồi trong quán cà phê cùng bạn bè. Hoặc là thử đến công ty bằng một con đường khác với lộ trình mà bạn vẫn đi mỗi ngày, rồi bất ngờ khám phá thêm được một vài quán ăn ngon.
Gan dạ sẽ giúp bạn làm nên đột phá!
Dù bạn là ai, hãy cứ sáng tạo đi!
Bạn có biết trong bản kế hoạch của người đã “hạ gục” tôi, họ dùng “chiêu” gì không? Là sketchnote – nói cho dễ hiểu là một hình thức diễn giải ý tưởng bằng những hình ảnh mang tính liên tưởng, so sánh giúp người đọc dễ ghi nhớ nội dung hơn. Ý tưởng của người bạn đó mà theo nhiều người đánh giá là rất đỗi bình thường, bỗng trở nên trực quan và sinh động bất ngờ. Và thế là họ giành chiến thắng!
Vậy tại sao sáng tạo lại quan trọng đến thế? Ngoài việc gắn kết, sáng tạo còn giải phóng tâm trí. Nó cho phép bạn, một người bình thường nhất có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng và xử lý công việc, học tập hiệu quả hơn. Sáng tạo không chỉ giúp bạn thoát khỏi những thói quen hay suy nghĩ cũ kĩ mà nó còn cho bạn thêm cơ hội để phát triển tư duy, gia tăng cảm xúc và kết nối với mọi người xung quanh – những bầu trời ý tưởng cùng bạn làm nên những màu sắc đa dạng cho cuộc sống tươi đẹp này.
Sáng tạo và thử làm một điều gì đó thật mới mẻ đã giúp cho tôi nhận ra sự độc đáo và bản sắc của riêng mình. Tôi nhận ra rằng mình cũng có những tài lẻ, thế mạng tiềm ẩn mà bấy lâu tôi không hay biết. Tôi có thể vận dụng những câu chuyện hóm hỉnh trong cuộc sống để giúp người khác giải tỏa căng thẳng và hiểu vấn đề hơn nhưng lại không biết cách đưa nó vào trong bài thuyết trình của mình.
Là do sức sáng tạo “ẩn mình” quá tốt hay do chính bản thân tôi đã không tinh tế và mạnh dạn tìm ra?
Chấp nhận rủi ro và sẵn sàng mạo hiểm cũng là những yếu tố sẽ giúp bạn tự tin hơn trên hành trình sáng tạo của riêng mình. Đừng lo ngại rằng những “phá cách” luôn đem lại rắc rối, dè chừng chỉ khiến bạn mất đi cơ hội thể hiện ý tưởng của mình mà thôi. Luôn vui tươi và rộng mở với những điều mới mẻ có thể giúp bạn – những người trẻ có thêm động lực để đổi mới và sáng tạo không ngừng trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày.
Theo Trí Thức Trẻ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn…
Trong thời đại số hóa ngày nay, thông tin là một trong những tài sản…
Không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu…
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh,…
Kết quả 16,15 tỷ USD đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng…
hị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD…