Đầu Tư

Trà bí đao Wonderfarm thoát ‘vũng lầy’ thua lỗ

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Interfood, MCK: IFS) cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.437 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong đó, sản phẩm trà bí đao, nước yến ngân nhĩ… mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin đóng góp 87,4% tổng doanh thu.

Công ty ghi nhận lãi sau thuế đạt 43,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 96 tỷ của năm trước. Kết quả này vượt xa kế hoạch rút ngắn khoản lỗ xuống còn 57 tỷ đồng được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2016. Đồng thời là tín hiệu đánh dấu sự hồi sinh của doanh nghiệp này sau quãng thời gian dài chìm trong thua lỗ.

Ông Toru Yamasaki, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Interfood cho biết, nguyên nhân kinh doanh khởi sắc xuất phát từ việc công ty mới thay đổi quy cách, mẫu mã cho một số dòng sản phẩm truyền thống để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chương trình cắt giảm chi phí vận hành nhà máy và nguyên vật liệu giảm giá so với năm trước cũng tác động tích cực đến giá vốn bán hàng. Bên cạnh đó, nhờ biến động tỷ giá ngoại tệ nên doanh thu tài chính tăng gần 70% so với năm trước, đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng.

Dự kiến trong năm nay, tổng doanh thu đạt khoảng 1.535 tỷ đồng và lãi trước thuế 15 tỷ.  Theo đánh giá của ban lãnh đạo công ty, thị trường nước giải khát đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển về thức uống dinh dưỡng như nước đóng chai, nước ép hoa quả. Do đó, công ty sẽ tiếp tục thanh lý dây chuyển sản xuất bánh quy và cắt toàn bộ hoạt động liên quan đến mảng này (chiếm chưa đến 0,1% doanh thu năm qua) để tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là trà bí đao Wonderdfarm. Công ty đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát từ 3% lên 8% trong năm 5 tới.

Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm đang “hồi sinh” sau 8 năm kinh doanh bê bết.

Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991 trong lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản đóng hộp để xuất khẩu. Sau hơn 10 năm hoạt động, công ty mở rộng kinh doanh bằng việc tăng vốn đầu tư lên 23 triệu USD, gấp 20 lần ban đầu để thâm nhập vào thị trường nước ép trái cây và bánh quy.

Từ năm 2001 đến 2006 là giai đoạn phát triển nhất của công ty khi mức tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 24,1% và chiếm khoảng 60% thị phần nước trái cây không ga. Doanh thu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ… đóng góp hơn 35% vào tổng doanh thu. Cũng tại thời điểm đó, công ty cũng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nâng tổng vốn góp chủ sở hữu lên 242 tỷ đồng. Đồng thời mua lại 90% cổ phần của đối tác liên kết sản xuất là Công ty cổ phần Thực phẩm AVA để củng cố sản lượng và phát triển thêm một số sản phẩm mới.

Tuy nhiên, chỉ sau một năm tham gia sàn chứng khoán và thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ thì tình hình kinh doanh bắt đầu lao dốc. Sự kiện đóng cửa nhà máy chính để chuyển sang hoạt động ở địa điểm mới, cộng thêm sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu bánh kẹo và nước giải khát nước ngoài càng khiến thị phần của công ty bị thu hẹp và lỗ sau thuế đạt mức kỷ lục 304 tỷ đồng.

Sau khi Kirin – một trong những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn nhất châu Á tham gia tái cấu trúc thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 95,66% và đồng ý thực hiện các khoản vay nội bộ để giải quyết nợ ngân hàng, công ty liên tiếp đặt kế hoạch lãi vài chục tỷ mỗi năm. Nhưng trừ điểm sáng duy nhất là lãi 7 tỷ đồng vào năm 2010 thì thực tế khoản lỗ ngày càng lớn.

Điển hình như năm 2011, công ty đặt mục tiêu lãi 25 tỷ đồng thì báo cáo tài chính cuối năm ghi nhận lỗ sau thuế đến 57 tỷ. Tương tự năm 2012, công ty tiếp tục lỗ 97 tỷ đồng dù đại hội cổ đông trước đó thông qua mục tiêu lại 22 tỷ. Đầu năm 2013, toàn bộ cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hủy niêm yết do lỗ sau thuế chưa phân phối của năm tài chính liền kề trước đó lên đến 495 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 381 tỷ.

Đại diện ban lãnh đạo công ty từng cho biết, nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh tụt dốc trong giai đoạn này là do quá trình sắp xếp lại bộ máy nhân sự và danh mục sản phẩm chủ lực để phù hợp với tiêu chuẩn của công ty đa quốc gia ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Công ty từng đặt kỳ vọng chiếm lĩnh những kênh phân phối mới, ít được các doanh nghiệp cùng ngành quan tâm như trường học, bệnh viện… nhưng kết quả thu được chỉ khả quan với một vài dòng sản phẩm.

Phương Đông

Bài viết nổi bật

To Top