(1) Chu đáo với vợ
Tôi muốn chia sẻ với các bạn về một mẩu chuyện ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa mà mình đọc được:
Vợ hỏi chồng: Đố anh biết cách tốt nhất để khoe mình giàu là gì?
Chồng: Mua một chiếc xe ô tô thật bóng bẩy.
Vợ: Sai, vì người khác có thể tưởng nhầm anh chỉ là lái xe cho một ông nhà giàu nào đấy!
Chồng: Vậy thì anh đoán là mua một chiếc đồng hồ thật sang trọng.
Vợ: Sai, vì người khác cũng có thể cho rằng anh đeo hàng giả, hàng nhái.
Chồng: Thế phải làm gì mới được?
Vợ: Hãy lấy tiền của anh và mua thật nhiều đồ mà em muốn. Được như vậy, em sẽ rất vui và giữ được vẻ trẻ trung xinh đẹp của mình. Khi ấy cho dù anh chỉ mặc quần cộc và đi đôi dép xỏ ngón ra đường, miễn là em đi bên cạnh anh, chẳng ai có thể bảo được là anh không giàu.
Mặc dù đây là câu chuyện châm biếm, nhưng nếu suy nghĩ thật kĩ, cũng có những đạo lý về đạo làm chồng mà chúng ta có thể học hỏi.
Trước đây tôi đọc được một bài báo, nội dung viết về quy tắc tuyển dụng “ngầm” của bộ phận tuyển dụng tại một công ty nọ. Đó là “Phải đặc biệt chú ý tới những ứng viên có mối quan hệ không tốt với vợ.“
Mỗi lần phỏng vấn ứng viên vào một vị trí quan trọng, nhà tuyển dụng của công ty này luôn hỏi: “Mối quan hệ của anh với vợ mình thế nào? Việc trong nhà hai người phân chia nhau ra sao?”
Nếu câu trả lời của ứng viên thể hiện được mối quan hệ gắn bó thân thiết với vợ mình và sự vui vẻ khi sẵn sàng cáng đáng việc nhà, chỉ cần năng lực của họ đáp ứng yêu cầu công việc, về cơ bản họ sẽ được nhận.
Ngược lại, nếu ứng viên thể hiện sự lạnh nhạt, xa cách hay phẫn nộ khi nhắc đến vợ của mình, thì cho dù năng lực của anh ta vượt trội và xuất chúng đến thế nào, công ty vẫn sẽ cân nhắc cẩn thận xem có nên cho anh ta vào làm không.
Có 3 lý do cho quy tắc tuyển dụng này:
Thứ nhất, nếu như quan hệ của ứng viên với vợ mình tốt, điều đó cho thấy anh ta có thể xử lý tốt những vấn đề xảy ra trong gia đình mình. Anh ta biết cách để chiều lòng vợ và mẹ mình, nghĩa là anh ta rất có khả năng sở hữu chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao.
Thứ hai, nếu ứng viên là một người ở độ tuổi trung niên, nhảy việc sẽ là một thách thức rất lớn trong sự nghiệp của họ. Sự hỗ trợ hết mình của vợ chứng tỏ họ đã có kế hoạch cho tương lai phía trước. Ở cấp độ công ty, những người có khả năng lập kế hoạch như vậy rất cần thiết, vì đó sẽ trở thành động lực thúc đẩy họ hết mình phấn đấu vì công ty.
Thứ ba, một người đàn ông sẵn lòng đảm đương trách nhiệm với gia đình, chắc chắn không thể nào là một người lười biếng và có tính ỷ lại. Công ty nào cũng khát những nhân sự siêng năng, chăm chỉ, cần cù.
Khi làm việc đủ lâu, bạn sẽ nhận ra điều này: Những người đàn ông bản lĩnh và làm nên nghiệp lớn thường rất tôn trọng vợ của mình.
Đằng sau thành công của một người đàn ông, luôn có bóng hình hi sinh âm thầm của người phụ nữ. Chỉ khi bạn tôn trọng cô ấy, yêu thương cô ấy, cô ấy mới có thể trở thành hậu phương vững chắc cho bạn, giúp bạn giải quyết êm xuôi những vấn đề gia đình và chăm sóc con cái.
Khi nguời ta đến tuổi trung niên, bạn bè dần dần biến mất. Người thân nhất với họ bây giờ chính là bạn đời của họ.
Vợ là người bạn đồng hành trong nửa đầu cuộc đời, và là chỗ dựa vững chắc cho nửa sau của cuộc đời.
Sự khoe khoang đỉnh cao nhất của một người đàn ông, không thể hiện ở sự xa hoa đắt đỏ của nhà lầu xe hơi, mà nằm ở một người vợ chu đáo ân cần đứng cạnh bên anh ta.
(2) Hết lòng vì con cái
Cách đây cũng lâu rồi, người ta tiến hành thực hiện một cuộc khảo sát với chủ đề: Sau một năm kết hôn, cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?
Trong số tất cả những câu trả lời, hồi âm của một người mẹ trẻ tuổi đã nhận được nhiều lượt tán thành nhất.
Cô ấy nói, sau khi kết hôn được 2 năm, cô và chồng mình ngày càng ít chuyện trò.
Sau khi chồng cô tan ca về nhà, nếu như không vội vàng tiếp tục bận rộn tăng ca để giải quyết nốt công việc, thì cũng nằm trên ghế sofa để lướt điện thoại cho hết ngày.
Nếu như chưa đến bữa ăn, chồng cô gần như không xê dịch khỏi vị trí mà mình đang ngự. Con họ gào thét inh tai, chồng cô vẫn bình tĩnh, lặng thinh như một ngọn núi.
“Một ông bố đúng nghĩa, là một sản phẩm hiếm có khó tìm ở thời đại này”.
Trong cuộc sống thường nhật, dưới áp lực kiếm tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều người bố đã vô thức định vị mình là trụ cột kinh tế của gia đình. Công việc khi ấy đã trở thành ưu tiên số một trong cuộc sống của họ. Bỏ bê con cái là hiện trạng phổ biến mà nhiều ông bố đang gặp phải.
Một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành mà thiếu vắng đi sự chỉ bảo của người cha, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Sau 3 năm làm chủ nhiệm, cô bạn thân của tôi đã nhận xét rằng trong một lớp luôn có những đứa trẻ bị cô lập và xa cách với những bạn học còn lại. Lý do dẫn tới tình trạng hiện thời của những đứa trẻ này, thường là bởi chúng chưa bao giờ được nhận tình thương yêu trọn vẹn từ cả cha và mẹ khi còn nhỏ.
Cô nhắc đến một đứa trẻ mà cô ấn tượng ở trong lớp. Đứa trẻ này bây giờ đã 12 tuổi, mặc dù cao hơn hẳn những đứa trẻ khác, nhưng vẫn khoác lên người một vẻ ngoài “dễ bị bắt nạt”.
Bởi thể chất của đứa trẻ này không tốt, nó thường phải xin nghỉ ốm. Kết quả là, nó không thể theo lớp được.
Cũng bởi thân hình gầy gò ốm yếu, lời nói của nó lúc nào cũng lí nhí, còn hành động của nó luôn rụt rè, đầy thận trọng. Nó luôn ngồi thu lu trong góc lớp và không bao giờ tham gia chơi đùa với bạn học.
Một lần, bạn tôi thấy nó bị một vài đứa học lớp lớn hơn vây quanh. Người nó run rẩy không ngừng.
Cô lập tức chạy đến giải thoát nó khỏi đám đông ấy, và đưa nó đến phòng tư vấn tâm lý.
Tại đây cô đã hiểu hơn về cuộc sống của đứa trẻ này. Cha mẹ ly thân ngay từ khi nó còn nhỏ. Nó sống cùng mẹ, nhưng hiếm khi được thấy mẹ bởi bà chẳng khi nào ngơi việc. Nó lớn lên và thiếu tình thương của cả mẹ và cha.
Chỉ sau vài năm đứng lớp, bạn tôi đã có khả năng nhận biết những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu như thế này.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thiếu thốn tình yêu của cha trong một khoảng thời gian dài sẽ làm đứa trẻ trở nên dễ bị kích động, nhút nhát, khả năng kiềm chế cảm xúc kém,…
Sự vắng mặt của người cho có thể làm hỏng cả đời của đứa trẻ.
Thời kỳ hoàng kim dành cho sự phát triển về mặt trí tuệ cũng như thể lực của một đứa trẻ là 12 năm. Nếu bỏ lỡ rồi, bạn sẽ không thể nào quay lại được nữa.
Thành công lớn nhất của một người cha không phải nằm ở việc kiếm tiền, mà nằm ở khoảng thời gian họ dành cho con của mình, bất kể họ bận rộn đến đâu.
Hạnh phúc của một gia đình thể hiện rõ ràng nhất khi đứa trẻ sống khoẻ mạnh và được đùm bọc trong một môi trường tràn đầy tình yêu thương của bố và mẹ.
(3) Có hiếu với cha mẹ
Chăm sóc cha mẹ, không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, mà còn là một kiểu tài phú.
Ngày xưa, có một gia đình dựng nhà ở trên núi. Trong nhà có sự chung sống của 3 thế hệ.
Một ngày nọ, người cha nói với người con rằng: “Con thấy không, ông con ngày một già và yếu. Bây giờ về cơ bản ông đã chẳng còn tác dụng gì cho cái thế giới này. Suốt ngày ông chỉ nằm trên giường, ăn đồ của chúng ta, xài đồ của chúng ta, chi bằng ném quách ông ta vào rừng cho rồi.”
Khi trời tối, người cha gọi người con dậy. 2 người dùng một cái sọt mang ông nội lên rìa núi.
Vào lúc người cha chuẩn bị bỏ cái sọt xuống, người con ngập ngừng hỏi:
“Bố ơi, mình chỉ cần bỏ lại người là được rồi, tại sao phải bỏ cái sọt này đi?”
Người cha nghe người con hỏi, trách con mình sao khờ khạo thế. Ông nén giận trả lời:
“Đến người chúng ta còn bỏ đi được, tại sao phải giữ lại cái sọt này?”
Người con trả lời:
“Nếu như bố ném cái sọt này, vậy về sau con với cháu nội của bố lấy gì để chở bố đến đây trong tương lai?”
Nghe lập luận của người con, người cha bàng hoàng và vội vàng đưa ông già về nhà. Kể từ đó, người cha không bao giờ có hành động nào thể hiện mình là người con bất hiếu nữa.
Hiếu thuận với cha mẹ, là một chu kỳ có tính nhân quả. Bạn đối đãi với cha mẹ mình như thế nào, con bạn sau này sẽ đối xử với bạn như thế ấy.
Thái độ của một người đối với cha mẹ chính là tính cách chân thực nhất của họ. Cha mẹ tuy không phải là những bậc thánh nhân, họ có thể không thể chu cấp cho chúng ta một cuộc sống tiện nghi nhất, một môi trường giáo dục hoàn hảo nhất, nhưng phận làm con phải biết tha thứ cho cha mẹ vì những sự không hoàn hảo đó.
Khi họ bắt đầu lẫm chẫm, hãy kiên nhẫn để đi chậm cùng họ.
Khi họ bắt đầu lãng tai, hãy kiên nhẫn để nói chuyện cùng họ.
Khi họ bắt đầu bực tức, hãy kiên nhẫn để lắng nghe vấn đề của họ.
Phong thuỷ tốt nhất của một gia đình là lòng hiếu thảo của người cha. Một gia đình phúc vận cao quý nhất, chính là ở việc dưỡng dục được một đứa trẻ mang trong mình sự hiếu kính với cha mẹ.
Nguồn:Tri Thức Trẻ