Thay vì thể hiện bản thân trong công việc, một người đàn ông thất bại lại giỏi nhất ở những thói xấu mà đến họ cũng không biết hoặc cố tình không biết. Những điểm xấu đó, nếu bạn vẫn mang trong người, thì hãy khắc phục ngay lập tức nếu không muốn tuổi 30, 40 của mình là một con số 0 tròn trĩnh.
01
Gần đây, tôi có đọc nhiều bài báo về sự khác biệt giữa tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Có một anh sinh viên nghèo phải sống chật vật trong một căn phòng rộng chưa đầy 10 mét vuông với tiện nghi tồi tàn, nhà vệ sinh liền kề với bếp, mọi đồ đạc được chất đống một cách chật chội. Giá cho thuê của căn phòng cũng đến hơn 300 USD/tháng. Dù có cố gắng làm thêm để trang trải cho cuộc sống khó khăn, thu nhập của anh cũng không đáng bao nhiêu so với chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng khác. Bữa ăn của anh sinh viên nghèo này cũng rất đạm bạc với cơm trộn, trứng, kim chi và nước sốt. Rõ ràng, với hoàn cảnh này, rất nhiều người sẽ cảm thấy chán nản và thất vọng.
Điều đáng nói ở đây là anh sinh viên kia thể hiện một thái độ bất bình với nguyên nhân dẫn đến những gì mình đang phải chịu đựng. Đó là câu chuyện về sự chênh lệch thu nhập, bất công bằng về kinh tế và xã hội, chênh lệch giàu nghèo ở Hàn Quốc.
Những người sinh ở “vạch đích”, có gia đình giàu có, được nâng đỡ để có vị trí cao thì được gọi là “thìa vàng”, còn anh sinh viên trong câu chuyện trên được gọi là “thìa đất”. Anh ta cho rằng dù mình có cố gắng bao nhiêu cũng không thể đủ tiền mua nhà ở Seoul, không thể có một công việc tốt và cũng sẽ không có được một tương lai tốt đẹp, khi sự chênh lệch đã là quá lớn. Cũng vì thế, anh và nhiều người trẻ ở đất nước này đổ lỗi cho chính quyền, hoàn cảnh và số phận.
Buồn thay, anh ta có lẽ không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng việc đổ lỗi cho người khác sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Thay vào đó, tại sao anh ấy không cố gắng thay đổi cuộc sống hiện tại bằng nỗ lực của bản thân. Nghĩ về những bất công mà mình đang phải chịu cũng chẳng thể giúp anh thoát khỏi sự nghèo khó. Dù là “thìa” gì đi chăng nữa, ở bất kỳ xã hội nào, thì người có năng lực và ý chí nhất mới người là thành công sau cùng.
Cũng liên quan đến đất nước Hàn Quốc, tôi rất thích câu chuyện của cố chủ tịch, nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung. Ông Chung chỉ học đến tiểu học, từng ba lần đào thoát khỏi nhà vì chán ngán cảnh nghèo khổ mà gia đình phải trải qua và cũng từng thất bại ở nhiều dự án làm ăn lớn. Nhưng ông chưa từng bỏ cuộc và đổ lỗi cho hoàn cảnh, bằng ý chí mạnh mẽ, tinh thần cầu tiến, luôn giữ chứ tín và đam mê công việc, Chung Ju-yung đã gây dựng nên đế chế Hyundai, tập đoàn đa quốc gia lớn thứ hai Hàn Quốc chỉ sau Tập đoàn Samsung.
Là đàn ông, ý chí là quan trọng nhất. Còn trẻ, bạn có thể nghèo tài sản, nghèo vật chất, nhưng không được phép nghèo ý chí. Cứ mãi đổ lỗi cho khó khăn, hoàn cảnh nghèo nàn và thiếu nguồn lực, bạn sẽ mãi chỉ là một tên đớn hèn, vô dụng và thất bại.
Hôm nay, không hoàn thành công việc, bạn đỗ lỗi cho bàn phím, chuột máy tính không đủ tốt. Ngày mai, bị đuổi việc, bạn đổ lỗi rằng sếp không biết trọng nhân tài. Mãi như vậy, đừng hỏi tại sao thành công cứ mãi xa rời bạn. Và một người đàn ông thành công luôn tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tìm kiếm thêm nguồn lực để khắc chế khó khăn, và nhìn nhận vào điểm yếu kém của bản thân để tốt lên từng ngày.
02
Anh họ tôi làm giám sát công trình cho một công ty xây dựng lớn. Sau nhiều năm kinh nghiệm, anh gặp rất nhiều loại người. Anh tâm sự, để làm được việc, năng lực không phải là quan trọng nhất mà điều cần có là thái độ và kinh nghiệm.
Nhiều lần, anh hướng dẫn công việc cho nhân viên mới là sinh viên mới ra trường. Trong số đó, có cả sinh viên tốt nghiệp đại học Bách Khoa với tấm bằng loại giỏi, thái độ rất kiêu ngạo và thiếu tôn trọng. Trước lúc làm, anh chàng sinh viên này chỉ mải mê hỏi anh tôi về lương thưởng, chính sách đãi ngộ, giờ giấc giải lao, đồ ăn thức uống, và thậm chí còn đòi hỏi, ra yêu sách với cấp trên như thể mình là quản lý. Nhưng đến khi bắt tay vào làm việc, anh sinh viên ấy mới bộc lộ yếu kém về năng lực; khi được yêu cầu tính toán nguyên liệu, đo đạc địa hình, đọc bản vẽ, anh ta chỉ biết lắc đầu. Vậy mới nói, tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học danh giá không có nghĩa là làm được việc. Có những người chẳng có tấm bằng đại học nào trong tay, nhưng vẫn có đủ kinh nghiệm để làm chủ thầu, giám sát và thậm chí là làm tốt hơn rất nhiều kỹ sư như anh chàng kia.
Anh tôi kể, trường hợp sinh viên mới ra trường quá tự tin về năng lực và đòi hỏi ở công ty quá nhiều là không hề hiếm. Và kết quả là, những người như vậy chẳng mấy chốc mà bị đào thải. Đòi hỏi quá nhiều chỉ khiến người khác có cảm nhận không tốt về bạn, lãnh đạo sẽ cho rằng bạn là kẻ ích kỷ, tham lam và nhỏ mọn.
Khi gia nhập một công ty, hãy cố gắng cống hiến hết mình rồi hẵng nói đến quyền lợi. Vì người có công không bao giờ bị thiệt thòi. Là đàn ông, cần thể hiện mình là người quân tử, ngay thẳng, phóng khoáng chứ không nên tính toán thiệt hơi, đòi hỏi quyền lợi một cách thái quá. Vì bạn sẽ chẳng làm nên chuyện gì to tát nếu cứ mải mê nghĩ về phần thưởng, lợi ích trước khi đóng góp cho tổ chức.
03
Tôi còn nhớ, hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần đến Trung thu là có một đoàn thanh niên tình nguyện về phát quà cho trẻ em nghèo chúng tôi. Phần quà là những túi bánh kẹo nhỏ. Khi phát quà, những đứa trẻ sẽ xếp thành hàng dọc và quy định là mỗi bé sẽ chỉ được nhận một túi kẹo. Tuy nhiên, có một vài cậu bé rất lanh lợi, dù đã được phát một túi kẹo rồi nhưng vẫn bày trò giấu diếm kẹo ở sau lưng hoặc đưa cho bố mẹ cầm hộ để nhận thêm một túi nữa.
Một phụ huynh thấy con mình thật thà, không “thông minh” bằng bạn bằng bè, cay cú mắng con: “Mày thấy bạn mày khôn chưa kìa? Nó biết giấu kẹo đi để được phát thêm. Còn mày thì sao mà dại thế hả con? Sao mày không biết làm theo bạn?” Vậy là, người thành thật thì bị chỉ trích là kém thông minh, còn người khôn lỏi thì lại được khen là khôn khéo.
Câu chuyện này cũng tương tự chuyện một anh nhân viên tìm cách lấy lòng sếp để được thăng tiến như xung phong đưa vợ sếp đi mua sắm, đón con giúp sếp, làm gia sư cho con sếp, xu nịnh và biết “đi tắt đón đầu”. Kết quả là được sếp tặng cho một câu: “Cậu tính lanh như vậy để làm gì?”
Từ xưa đến nay, chúng ta luôn coi trọng sự thông minh hơn là kiến thức. Nhưng đôi khi, thông minh và khôn lỏi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu đứa trẻ nào cũng hành xử như cậu bé lanh lợi trong câu chuyện phát quà Trung thu trên được đặt vào trong trường hợp phát thực phẩm cứu đói trong thiên tai, thì xã hội sẽ đi về đâu? Và nếu ai trong công ty cũng “thông minh” như anh chàng nhân viên kia thì còn gọi gì là doanh nghiệp nữa, mà phải là showbiz thì đúng hơn.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để đạt được mục đích, chúng ta nên hành xử một cách thành thật và tử tế, thay vì khôn vặt và xảo trá. Từ sự khôn lỏi, mọi thói hư tật xấu như tham lam, ranh mãnh, dối trá sẽ hình thành. Và mọi mánh khoé, không phải lúc nào cũng qua mặt được người khác. Hoặc đôi khi, lãnh đạo, đối tác của bạn chỉ giả vờ bị qua mặt để tiếp tục nhìn thấu con người bên trong bạn mà thôi.
Điều quan trọng ở một người đàn ông thành công không chỉ là trí tuệ, bản lĩnh, mà còn là nhân cách. Đi lên từ gian khổ, thất bại, bằng sự tử tế, thật thà thì vẫn vượt xa giàu có nhờ những chiêu trò bẩn thỉu, lừa lọc. Vì thế, muốn đạt được mục đích, bạn nên dành hết tâm huyết, sự chân thành, nỗ lực và khả năng của bản thân.
Phẩm chất hay tính xấu là do chúng ta lựa chọn. Và tương tự, thành công hay thất bại cũng là do chính chúng ta có được từ việc hình thành và nuôi dưỡng tính cách, thói quen, lối sống. Là đàn ông, có thể thất bại nhiều lần, cũng có thể chưa biết bao giờ mới thành công được. Nhưng nếu đã là bậc nam nhi, đừng nên liên quan đến những biểu hiện xấu trên vì khi đó, bạn cầm chắc trong tay một cuộc đời thất bại.
Nguồn:Tri Thức Trẻ