Huỳnh Văn Khải sinh năm 1993, sinh ra và lớn lên ở miền đất Quảng Ngãi nắng gió. Chưa đầy 30 tuổi, khi nhiều bạn trẻ còn đang loay hoay trên con đường sự nghiệp, Khải đã dắt lưng “vốn liếng” đủ khiến những ai có cơ hội nghe qua đều phải trầm trồ.
Chúng tôi gặp Huỳnh Văn Khải lần đầu tiên vào 2017. Thời điểm ấy, Khải cùng quán cà phê của mình, Alone Coffee, đang tạo ra cơn “sốt” trong giới trẻ Hà thành nhờ mô hình bán cà phê kết hợp dịch vụ ghép đôi cho những thanh niên “FA” (độc thân).
3 năm trôi qua, Alone Coffee đóng cửa, nhưng Khải đã đi một quãng đường khá xa so với Khải ngày đó, cũng như Khải của nhiều năm về trước. Từ một sinh viên Học viện ngân hàng, buộc phải khởi nghiệp vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, Huỳnh Văn Khải hiện đang điều hành Dak Group với trên dưới 300 nhân sự.
Trong tay cậu là Kingstudio, hệ thống 30 chi nhánh ảnh viện cho bé và gia đình, thương hiệu Dak Wedding với 10 tiệm ảnh cưới, một xưởng may thời trang, một công ty truyền thông và một tạp chí giấy về du lịch. Đó là chưa kể phần vốn Khải đóng góp trong một công ty dược phẩm khác.
Xin chào Khải. Với những thành tựu kể trên, nhiều người thắc mắc liệu bạn có nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình hoặc được ai “chống lưng” không, hay hoàn toàn tự thân vận động?
Cũng có nhiều bạn hỏi mình “Ủa Khải rửa tiền hay sao mà mở được nhiều vậy”. Thực sự mình không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình đâu, tự thân vận động thôi. Bạn nào theo dõi mình từ đầu thì biết lý do mình khởi nghiệp là vì cần kiếm tiền, mọi thứ xây dựng dần dần từ nhỏ tới lớn.
Lúc ấy gia đình gặp trục trặc, mình cần tiền để nuôi mình và em gái nên đã cùng các bạn khác lập ra một team làm về truyền thông quảng cáo. Sau đó thì mình mở một tiệm ảnh nhỏ đầu tiên ở phố Trần Điền (Hà Nội) rồi mở thêm quán cà phê, làm xưởng may thời trang, làm dược,… Suốt quá trình ấy hệ thống ảnh viện vẫn phát triển song song và đến giờ mình khởi nghiệp cũng được 7 năm rồi.
Vì khởi nghiệp khi còn là sinh viên nên những người đầu tiên hướng dẫn mình là các thầy cô Học viện Ngân hàng. Ngày ấy có cái gì không biết là mình mang ra hỏi thầy cô, đặc biệt các thấy cô dạy về luật với quản trị. Ví dụ “Cô ơi, thầy ơi hợp đồng nhượng quyền thế này đã được chưa” hoặc “Thầy ơi, cơ cấu nhân sự như này được chưa? Định hướng của công ty em như thế này thầy góp ý giúp em?”. Đấy là bước đầu, mình đặt các câu hỏi thực tế của công ty mình và nhờ thầy cô tư vấn, hướng dẫn giúp. Nhờ đó mà mình luôn có ý thức làm lớn, tư duy làm bền vững, không nóng vội và chộp giật.
Còn sau này khi ra trường rồi thì mình vừa khởi nghiệp vừa tự học. Thấy bản thân thiếu cái gì thì mình lại xin đi làm tại các doanh nghiệp giỏi ở lĩnh vực đó để học thêm.
Trong các mảng kinh doanh của Khải, có thể thấy 2 hệ thống ảnh viện với 40 chi nhánh là một con số khá ấn tượng. Không biết Khải tự mình gây dựng các chuỗi hay đi theo phương án nhượng quyền? Nếu nhượng quyền thì chi phí cần thiết cho một cửa hàng là bao nhiêu?
Có khoảng 1/3 chi nhánh là công ty mình tự mở, 2/3 là nhượng quyền. Chi phí nhượng quyền trung bình khoảng 700 triệu đồng, còn cửa hàng nào trang bị tốt hơn thì chi phí khoảng 1 đến 1 tỷ rưỡi. Một số chi nhánh công ty có hỗ trợ tài chính, nghĩa là nếu đối tác chưa đủ vốn thì công ty có thể góp cổ phần hoặc cho vay. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố con người.
Mình đã từng sai lầm khi chọn một vài đối tác nhượng quyền, chứ cũng không phải ưng ý với tất cả. Vì vậy, mình đề cao phẩm chất đối tác hơn năng lực. Năng lực có thể bổ trợ dần dần nhưng nhân cách và sự thấu hiểu giữa 2 bên là điều quan trọng nhất.
Với 30 cửa hàng, hệ thống Kingstudio bên mình là chuỗi có số lượng lớn nhất trong mảng chụp ảnh cho bé và gia đình. Kingstudio lựa chọn phân khúc khách hàng tầm trung và đang dần hoàn thiện để có thể phục vụ khách hàng ở tầm cao hơn.
Còn Dak Wedding có 10 cửa hàng, dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên 20. Với chuỗi ảnh cưới này, bên mình xác định lấy lợi thế quy mô để mang lại lợi ích cho khách hàng. Đa số các ảnh viện hiện nay, nếu khách hàng chụp tại Hà Nội giá sẽ khác, mà chụp tại Đà Lạt, Nha Trang giá sẽ khác, càng đi xa thì giá càng cao. Bên mình có lợi thế về chuỗi, nên mình đưa ra các gói chụp đồng giá. Ví dụ với 1 gói đơn giản nhất là 5,9 triệu đồng, khách hàng chụp ở Đà Lạt, Đà Nẵng hay Hà Nội thì giá vẫn là 5,9 triệu.
Hai nữa là tại thị trường ảnh cưới Việt Nam, rất ít cô dâu có thể may váy theo ý họ, đa số thuê lại váy cũ. Bên mình không cho thuê mà bán toàn bộ; giá bán bên mình chỉ cao hơn chút so với giá thuê ở những bên khác. Bởi bên mình có sẵn xưởng may thời trang, lại làm theo chuỗi nên số lượng lớn dẫn tới giá thành may rẻ hơn, từ đó giảm giá được cho khách hàng.
Thực tế trong ngành ảnh cưới mình là người đi sau, vậy nên phải tìm ngách nào đấy để lên lỏi vào thị trường. Mà trước giờ các lĩnh vực kinh doanh mình đều chọn những ngách như vậy, tìm hướng mới trong cái cũ chứ không nhất thiết phải nghĩ ra những thứ gì thật mới mẻ, sáng tạo.
Khải làm thế nào để đảm bảo chất lượng của các chuỗi là đồng nhất? Đặc biệt trong một mảng như ảnh viện, vốn đặc thù về nghệ thuật và lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người?
Thực sự để nói là đồng nhất về chất lượng dịch vụ thì bên mình chưa làm được, mặc dù bên mình đã cố gắng nhất có thể: Các concept chụp đều được đóng gói từ trụ sở chính chuyển về từng chi nhánh, có trung tâm kiểm định chất lượng hình ảnh, có quá trình đào tạo nội bộ,…Tuy nhiên ảnh viện thuộc lĩnh vực nghệ thuật, đôi khi chỉ cần góc máy khác chút thôi là chất lượng đã khác rồi. Vì vậy gọi là đồng nhất thì vẫn chưa chuẩn và bên mình sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới.
Tiện đây, mình cũng muốn nói, đồng nhất chất lượng không phải là khó khăn duy nhất khi các bạn làm chuỗi nhượng quyền. Làm sao để quản lý tất cả đối tác nhượng quyền cũng là một câu chuyện nan giải. Đơn giản như hành vi tranh giành khách của nhau trên cùng một thị trường, áp lực quản lý nhân sự, giải quyết khiếu nại phản hồi của khách,…. chỉ cần 1 chi nhánh trục trặc là ảnh hướng đến uy tín của toàn chuỗi.
Vậy nên những ai định kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thì mình nghĩ hợp đồng giữa 2 bên cần chi tiết, chặt chẽ đến từng câu, từng chữ. Và cần chuẩn bị bộ máy vừa đủ, không được quá cồng kềnh để tiết kiệm chi phí; nhưng vẫn phải đảm bảo để vận hành trơn tru.
Được biết, Khải từng khởi nghiệp thành công với 2 mô hình quán cà phê theo trào lưu, một là cà phê thú cưng và hai là cà phê kết nối các cặp đôi? Tại sao về sau bạn lại rút lui vậy?
Thật ra 2 quán cà phê mình mở ra đều khá đông khách, dù nằm ở những con phố vắng của quận Thanh Xuân, một quán nằm trên đường Trần Điền, một quán ở trong ngõ trên đường Trường Chinh. Đông đến mức có những thời điểm quản lý khu vực còn tới hỏi quán có phải tụ điểm gì không mà mọi người tập trung nhiều vậy (cười).
Nhưng sau đó mình nhận ra tạo được trào lưu dễ hơn giữ trào lưu. Mình đã tạo được trào lưu cho người yêu cún, người độc thân, nhưng để giữ trào lưu thì quán cần giá trị cốt lõi, cần người làm chủ bỏ nhiều tâm huyết vào đấy. Trong khi thời điểm ấy mình vẫn là sinh viên, lại còn điều hành 2 công ty nữa. Vậy nên mình gọi thêm các cổ đông khác vào để có người quản lý, đồng thời rút lại 1 phần vốn.
Đó chính là lúc mình sai lầm. Vì không chọn kỹ người đồng hành nên mọi người vào rồi thì mỗi người một ý, trong khi cổ phần của mình ít xuống và mình không kiểm soát được nữa. Sau đó là giai đoạn lao đao, mình quyết định rút ra và tặng hết cổ phần cho một người mình tin tưởng nhất, mong người ấy có thêm tiếng nói và điều hành thuận lợi. Nhưng cuối cùng thì vẫn không được, khách hàng bỏ đi dần, cuối cùng là đóng cửa.
Như trên bạn có đề cập muốn giữ được trào lưu thì quán cà phê cần giá trị cốt lõi, vậy giá trị cốt lõi ở đây là gì?
Giá trị cốt lõi đa số mọi người chỉ hiểu chung chung thôi, chứ cụ thể lại không đặt nặng. Ví dụ, cứ nghĩ mở quán ra là khách sẽ tới nhưng rất ít khi đặt câu hỏi ‘Tại sao khách hàng đến quán của mình mà không đến quán bên cạnh’. Hoặc nếu trả lời thì chỉ chung chung như quán mình đẹp hơn, đồ uống ngon hơn. Nhưng nếu hỏi đẹp hơn chỗ nào, ngon hơn là ngon hơn món gì thì lại không rõ.
Khi bạn làm chủ, tất nhiên sẽ không ai hỏi bạn những câu trên, chỉ là các bạn nên tự vấn mình và trả lời càng trung thực nhất càng tốt. Đồ uống của bạn ngon hơn là ngon hơn với với học sinh hay với người đi làm. Vì học sinh thường thấy trà sữa ngon hơn trong khi dân phòng thấy cà phê ngon hơn. Vậy bạn cần xem quán bạn “ngon” hơn cái gì so với quán người ta và liệu khách hàng tiềm năng bạn nhắm tới đã hợp lý chưa?
Giá cả cũng vậy, đôi lúc không phải giá rẻ người ta sẽ vào mà đắt quá người ta sẽ bỏ qua. Phải có sự tương xứng giữa mức giá bạn đặt ra và giá trị bạn mang lại cho khách hàng.
Nhiều bạn trẻ hiện nay nghĩ đến khởi nghiệp là nghĩ đến mở quán cà phê, Khải nghĩ sao về chuyện này?
Việt Nam là đất nước có lợi thế về cà phê và có văn hóa đồ uống tốt; nên bạn sẽ cảm giác mở cửa hàng cà phê dễ dàng hơn so với hình thức khởi nghiệp khác. Mình từng làm cà phê rồi, mình rất thích mảng này nhưng để người người, nhà nhà cùng khởi nghiệp kinh doanh cà phê thì đây không phải điều tốt. Nhiều bạn trẻ mình cảm nhận họ không biết làm gì nên chọn làm cà phê vì nghĩ nó dễ tiếp cận, chứ không phải vì các bạn đam mê ngành này.
Thực tế nếu không đam mê và có sự tìm hiểu kỹ càng, các bạn sẽ rất dễ bị nản. Đơn giản thế này, trước khi làm, bạn bỏ ra khoảng 500 triệu đồng để mở quán. Nhưng bạn lại không tính toán được thời gian hồi vốn là bao nhiêu, để hồi vốn thì 1 ngày cần bán bao nhiêu cốc, 1 cốc lãi bao nhiêu tiền. Hoặc 1 ngày cần doanh thu 3 triệu thì bạn phải bán được bao nhiêu cốc, và đón bao nhiêu lượt khách hàng, trung bình một khách ngồi bao lâu, số ghế có đủ cho khách ngồi không,…. Khi bạn chưa tính mà cứ lao vào làm thì rất dễ thất vọng, rồi giải tán.
Vậy nên mình khuyên các bạn muốn kinh doanh cà phê cũng được, nhưng hãy chắc rằng bạn thật sự đam mê, am hiểu ngành này và đã tính toán kỹ trước khi bắt tay vào làm.
Là một người trẻ từng khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường, Khải có ủng hộ nếu nhiều sinh viên hiện nay lựa chọn hướng đi giống như bạn trước đây?
Như các bạn thấy, không phải là mình muốn khởi nghiệp từ năm 2, năm 3 đại học mà áp lực cuộc sống buộc mình phải làm thế. Trong quá trình này, mình thấy thiếu kiến thức gì là mình lại đi học thêm bên ngoài. Cứ nói làm chủ nhưng song song với đó, mình vẫn phải xin đi làm thuê ở những chỗ khác để học hỏi kinh nghiệm từ người ta.
Mình nghĩ tại sao các bạn không thử đi làm thuê trước rồi hãy khởi nghiệp: Hãy làm thuê với tâm thế của người làm chủ. Ví dụ bạn muốn làm cà phê chẳng hạn, sao bạn không thử vào quản cà phê nào đó, phấn đấu lên quản lý để xem quán vận hành ra sao, rồi hãy ra mở cửa hàng của riêng mình.
Làm với tâm thế người làm chủ là phải làm thực chất, chứ không phải làm hời hợt, và làm cho có, nếu vậy bạn sẽ không học được gì đâu. Hãy chú ý quan sát người ta từ cách mua nguyên liệu, đặt giá đồ uống, tuyển dụng nhân viên cho đến bài toán quản lý doanh thu, chi phí. Mình nghĩ các bạn nên học hỏi trước chứ đừng vội vàng mở ra làm riêng, như vậy tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Nếu ai đó đã trải qua quá trình học hỏi như bạn đề cập, thì họ nên tiến hành khởi nghiệp vào lúc nào?
Khi nào cảm thấy đủ thì các bạn hãy làm, còn thế nào là đủ thì mình không trả lời được, vì mỗi người có mức ưa mạo hiểm khác nhau. Có những người 1 tỷ cũng là thiếu, có người chỉ 100 triệu cũng là đủ. Nếu bạn cảm thấy đủ tài chính, đủ kiến thức, đủ tự tin và đủ tầm nhìn rồi thì cứ mở thôi, sau đó vừa làm vừa hoàn thiện dần dần, theo đúng mô hình của khởi nghiệp tinh gọn. Đã làm rồi thì đừng đẽo cày giữa đường, đừng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác, hãy lắng nghe bản thân bạn.
Còn tất nhiên khởi nghiệp không phải câu chuyện dành cho tất cả. Mỗi người có sứ mệnh khác nhau, đâu nhất thiết ai cũng phải ra làm chủ. Các bạn có thể làm thuê với tâm thuế thoải mái, cố gắng cống hiến cho doanh nghiệp,…vậy là bạn đã góp phần phát triển xã hội. Đâu nhất thiết phải nghĩ đến câu chuyện làm chủ.
Xin cảm ơn Khải rất nhiều.