Thông tin Vingroup nhảy vào lĩnh vực hàng không đang dần hé lộ, tuy nhiên cái tên lại không phải là VinAir như nhiều lời đồn đoán, mà lại là Vinpearl Air. Không loại trừ Vingroup sẽ đi theo hướng mà tỷ phú Trịnh Văn Quyết từng “rất tâm đắc” – combo bay Vinpearl Air – nghỉ dưỡng Vinpearl. Nếu Vingroup theo hướng này, xét cả về độ phủ, thương hiệu, customer database hay trình “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, liệu chiến lược combo bay Bamboo – ở FLC có gặp khó?
Mới đây, xuất hiện một công ty hàng không với rất nhiều thông tin gợi tới Vingroup như tên công ty – Vinpearl Air, trụ sở chính là Khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội), với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Nếu Vingroup thực sự nhảy vào mảng hàng không, với cái tên Vinpearl Air, không loại trừ Vingroup sẽ đi theo hướng bán combo bay Vinpearl Air – nghỉ dưỡng Vinpearl.
“Cặp song sinh du lịch – hàng không” vốn là chiến lược tỷ phú Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC – rất tâm đắc. Nói một cách dễ hiểu, một vé máy bay chiều Hà Nội – Quy Nhơn của Vietnam Airlines có mức giá khoảng 2 – 6 triệu đồng/người. Giá phòng khách sạn 5 sao 3 ngày 2 đêm có giá chừng 5 triệu đồng/phòng. Nhưng nếu bạn bay Bamboo Airways và ở khách sạn của FLC thì giá chỉ từ 2,5 triệu đồng/người (combo vé máy bay – khách sạn dành cho 4 người của FLC).
Sản phẩm combo du lịch – hàng không này cũng bán chéo một sản phẩm trong hệ sinh thái của FLC là golf, khi giảm 50% phí sân cỏ cho khách mua.
Chiến lược combo này được khẳng định rõ trong chiến lược phát triển giai đoạn 2019 – 2022 của FLC. “Về dịch vụ, Bamboo Airways cam kết việc kết nối trực tiếp các điểm đến du lịch đang lên ở Việt Nam, đặc biệt sẽ khai thác mạnh các gói combo độc đáo kết hợp giữa dịch vụ bay và nghỉ dưỡng, chơi golf với nhiều ưu đãi hấp dẫn”, báo cáo thường niên 2018 của FLC nêu rõ.
Vì sao combo du lịch – hàng không sẽ thành công?
Việc ra các combo du lịch – hàng không chiến lược một mũi tên trúng hai đích: Vừa hút khách của các đối thủ trải nghiệm một hãng hàng không mới, vừa hút khách đến các khu nghỉ dưỡng của doanh nghiệp.
Xét trong trường hợp của FLC, mức giá chỉ 2,5 triệu đồng/người sẽ hút được kha khá khách đến nghỉ resort của FLC. Và những khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng cũng sẽ bị hấp dẫn bởi mức ưu đãi này mà chuyển sang di chuyển bằng Bamboo.
Combo này áp đảo cả các khuyến mãi đang có tại các trang OTA (Online Travel Agency – Đại lý du lịch trực tuyến) như Booking hay Agoda, và cả các chương trình Free&Easy (bán combo vé máy bay + phòng nghỉ) của các đơn vị du lịch. Hiện trên Lazada, combo 4 ngày 3 đêm tại FLC Quy Nhơn (bao gồm vé máy bay khứ hồi VietJet) của FantaSea Travel đang khuyến mãi cũng có giá 7.590.000 đồng/người.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng du lịch cũng kéo theo tăng trưởng về nhu cầu hàng không. Theo lời ông Trịnh Văn Quyết, trước khi FLC vào đầu tư năm 2014, chiều bay đến Quy Nhơn chỉ có 3 chuyến bay 1 ngày, giờ là 15 chuyến và có ngày lên đến 20 chuyến.
Nếu Vingroup đi theo chiến lược tương tự, FLC có sợ?
Nếu Vingroup theo chiến lược bán vé máy bay kèm phòng khách sạn, xét cả về độ phủ, thương hiệu, customer database hay trình “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, e là chiến lược combo bay Bamboo – ở FLC có thể sẽ gặp khó.
– Độ phủ: Hiện Vinpearl đã đánh dấu sự hiện diện ở 17 địa phương có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhất trên toàn quốc, tiêu biểu như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Hạ Long, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Lạng Sơn. Tính đến ngày 28/2/2019, Vingroup đã khai trương mới 14 khu nghỉ dưỡng và khách sạn trong vòng 1 năm, nâng tổng số cơ sở đang vận hành lên con số 31.
FLC mới hiện diện ở chừng 5 địa phương, gồm Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định.
Trong khi đó, golf không còn là lợi thế của FLC khi Vinpearl cũng đã có thương hiệu Vinpearl Golf với 4 sân golf.
– Customer database: Với hệ sinh thái toàn diện, Vingroup hiện có 6,3 triệu thành viên VINID.
– Vốn hoá thị trường: FLC hiện có mức vốn hoá 2.989 tỷ đồng. Vốn hoá của Vingroup là 388.128 tỷ đồng.
– Giá dịch vụ: Cách làm thường thấy của Vingroup là không cạnh tranh giá với các doanh nghiệp khác, cái họ cạnh tranh sẽ là thương hiệu và chất lượng. Trong khi đó, nếu so sánh thương hiệu, có lẽ không cần nói thêm về độ mạnh thương hiệu của Vingroup so với FLC như thế nào.
Chưa kể đến, văn hoá doanh nghiệp của Vingroup có 6 chữ, trong đó chữ nổi trội mà ai cũng cảm nhận được là chữ “Tốc“. Tính riêng Vinpearl, chỉ trong năm 2018, thương hiệu này đã tái cấu trúc, tăng quy mô phòng lên 1,6 lần.
Năm 2018, doanh thu dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí của Vingroup đạt 7.366 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 35% nhờ vào lượng khách du lịch tăng cao và quy mô các khu nghỉ dưỡng liên tục được mở rộng.
FLC, với quy mô nhỏ hơn, tốc độ tăng trưởng cho năm 2019 cũng chỉ đặt ra ở mức trên 30%.
Nguồn: Tri thức Trẻ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn…
Trong thời đại số hóa ngày nay, thông tin là một trong những tài sản…
Không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu…
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh,…
Kết quả 16,15 tỷ USD đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng…
hị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD…