Mỹ coi đây là cơ hội khẳng định lại cam kết của Chính quyền ông Donald Trump về mở rộng quan hệ với Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trong hai ngày họp, nước này kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề song phương, gồm nông nghiệp – an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch – quản trị tốt, và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đổi lại, Việt Nam cũng thông báo về kế hoạch cải cách lao động.
Hai bên đồng ý tiếp tục đối thoại về những vấn đề này, đồng thời thành lập các nhóm công tác để giải quyết các vấn đề song phương. Mỹ đã xem xét việc Việt Nam thực hiện hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, cũng như tham gia vào Hiệp định Công nghệ Thông tin mở rộng của WTO. Ngoài ra, đại diện hai nước cũng thảo luận cách thức hợp tác để thúc đẩy lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ Mỹ-ASEAN.
Bộ trưởng Công Thương – Trần Tuấn Anh hoan nghênh việc nối lại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ TIFA và các nỗ lực củng cố quan hệ hai nước. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2011.
Đoàn Mỹ do Trợ lý Đại diện Thương mại – Barbara Weisel dẫn đầu, cùng các đại diện từ Bộ Thương mại, Nông nghiệp, Lao động, Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Trong khi đó, đoàn Việt Nam có quan chức của Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngoại giao, Y tế, Thông tin và truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, và Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hoá lớn thứ 16 của Mỹ với kim ngạch song phương 52,3 tỷ USD. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 10 của Mỹ với 2,7 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, thương mại dịch vụ của Mỹ với Việt Nam ước đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2015.
Hà Thu