“Đọc sách trước hết để vui cái đã, đừng đặt nặng phải làm giàu phải thành đạt rồi tự ép mình đọc mỗi năm phải mấy chục cuốn, đọc kiểu vậy là đọc lấy số lượng chứ chữ trong đầu khó mà còn được nhiều”, đó là quan điểm của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch.
Là một nhà văn trẻ được nhiều độc giả yêu mến, Nguyễn Ngọc Thạch được nhớ tới bởi lối văn dí dỏm, sâu sắc và quan điểm sống rõ ràng. Mới đây, trên trang facebook cá nhân, nhà văn này đã bày tỏ suy nghĩ trực diện về vấn đề đọc sách ở người trẻ. Điều thú vị nhất, anh không chỉ khuyên họ mạnh dạn từ bỏ những cuốn sách “trót mua” nhưng không hấp dẫn, mà còn đưa ra 5 gợi ý để việc đọc sách và tiếp thu kiến thức từ sách vở trở nên dễ dàng hơn. Dưới đây là chia sẻ của nhà văn này.
Nói về chuyện đọc sách…
Đọc sách trước hết để vui cái đã, đừng đặt nặng phải làm giàu phải thành đạt rồi tự ép mình đọc mỗi năm phải mấy chục cuốn, đọc kiểu vậy là đọc lấy số lượng chứ chữ trong đầu khó mà còn được nhiều.
Mình tự đặt ra cho bản thân phương pháp đọc 5C, nhờ đó mà việc đọc tiến triển tốt hơn nhiều.
1. Complete – Hoàn thành
Khi đọc một cuốn sách, bạn cần phải xác định có nên hoàn thành nó hay không. Dĩ nhiên có những cuốn sách hay, bạn mở ra đọc một vài trang đã bị cuốn hút vào đó và cứ vậy đọc một mạch cho đến hết thì không có gì cần nói.
Nhưng vẫn có những cuốn sách càng đọc càng buồn ngủ thì lời khuyên là cứ mạnh dạn bỏ ngang, đừng tiếc theo kiểu, đã lỡ mua phải đọc, vì thật ra cố gắng đọc một cuốn sách mình không thích là thứ lãng phí thời gian nhất trên đời.
2. Compare – So sánh
Khi đọc cuốn sách của tác giả này, bạn hãy cố gắng nhớ và hiểu về phong cách viết, cách dùng từ, cách chọn đề tài của người đó, để rồi khi đọc một tác giả khác, bạn so sánh với phong cách và cách viết của người kia.
Việc này giúp cho bạn hiểu sâu hơn về phong cách viết của tác giả, đồng thời hiểu được ưu nhược trong phong cách đó và những ưu nhược đó sẽ dẫn đến cảm xúc gì thể hiện ra trang viết.
3. Compete – Đối đầu
Khi đọc một cuốn sách, hãy cố gắng chiến đấu với tác giả để cho tác phẩm đó hay hơn, bằng cách bạn luôn nghĩ rằng, nếu bạn là người viết thì bạn sẽ chỉnh những từ nào, những câu nào, những đoạn nào… sau khi chỉnh, đọc lên thử nghe coi có êm tai không, có mượt mà hơn không. Và cứ làm vậy trong suốt quá trình đọc, đây là cách để nâng cao khả năng từ vựng của chính bản thân bạn.
4. Compress – Tóm tắt
Đọc xong 1 tác phẩm nào đó, bạn phải có được hai bản tóm tắt. Một tóm tắt dài theo cốt truyện, 1 tóm tắt tổng quát tagline.
Ví dụ, Harry Potter sẽ là “Chú bé phù thủy sống sót và chiến đấu bên bạn bè để chống lại thế lực hắc ám”. Đây là cách để giúp bạn đặt cuốn sách vào một hộc trong não bộ và nhớ về cuốn sách này nhiều hơn, lâu hơn.
5. Compound – Liên kết
Khi đọc một cuốn sách, phát hiện ra một thông tin gì đó thú vị mà mình hứng thú quan tâm, có thể dừng sách lại vài phút, tra cứu các thông tin thực tế của nó coi có đúng như vậy không.
Đây là cách để hiểu sâu và tin vào tác phẩm. Ví dụ đọc sách của Dan Brown thì bạn sẽ có khao khát tra cứu hết những kiến thức liên quan đến lịch sử, tôn giáo, thần học, ký tự học… liên quan và vỡ òa ra khi biết rằng Illuminati là một hội kín từng tồn tại thật sự.
Và cuối cùng, muốn nói với các bạn trẻ rằng: Đọc sách đi, đừng lười!