Hughes là người từng ở chung phòng ký túc xá với Mark Zuckeberg tại Đại học Harvard trong những năm đầu thành lập công ty. Ban đầu, anh chịu trách nhiệm kiểm tra, thử nghiệm và đưa ra ý tưởng mới.
Nhà đồng sáng lập Facebook, Chris Hughes đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ qua để dùng một phần tài sản kiếm được từ cổ phần tại Facebook vào các dự án về báo chí và dân sự. Dù đã rời công ty từ năm 2007 nhưng Hughes vẫn có sự quan tâm nhất định đến mạng xã hội tỷ dân.
Doanh nhân 35 tuổi hiện sở hữu khối tài sản khoảng 400 triệu USD. Mới đây, nhiều nguồn tin cho biết Hughes đã nói chuyện với các nhà quản lý Mỹ về việc phá vỡ Facebook. New York Times đưa tin ngày 25/7 rằng anh đã gặp gỡ Ủy ban Thương mại Liên Bang Mỹ (FTC), Bộ Tư pháp Mỹ và một số luật sư trong vài tuần qua để thảo luận về việc chống độc quyền cùng hai nhà hoạt động nổi tiếng khác là Tim Wu và Scott Hemphill. Mục đích của những cuộc gặp này là tìm cách hạn chế sức mạnh của mạng lưới rộng lớn của Facebook.
Hughes là người từng ở chung phòng ký túc xá với Mark Zuckeberg tại Đại học Harvard trong những năm đầu thành lập công ty. Họ người cùng 2 người bạn khác đã cùng nhau sáng lập nên mạng xã hội Facebook năm 2004. Thời gian đầu, Hughes chịu trách nhiệm kiểm tra, thử nghiệm và đưa ra ý tưởng mới.
Mark Zuckerberg và Chris Hughes thời sinh viên.
Khi Facebook trở nên phổ biến, Hughes trở thành phát ngôn viên cho mạng xã hội này nhưng không bỏ học giữa chừng như Zuckerberg. Anh quyết định hoàn thành chương trình học rồi mới quay lại làm việc tại đây. Tuy nhiên, đến năm 2007, anh rời Facebook để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Barack Obama. Hiện Hughes là đồng chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Economic Srcurity Project cùng một số dự án từ thiện và cộng đồng khác.
Theo Times, Hughes đã thuyết trình trước các nhà quản lý về cách để giải tán Facebook dựa trên luật chống độc quyền. Tháng 5 vừa qua, anh nói rằng Facebook đã trở thành một “con quỷ địa ngục” chuyên thâu tóm các công ty đối thủ để giảm cạnh tranh, hạn chế lựa chọn của người dùng và việc mua lại Instagram hay WhatsApp của họ đáng ra nên bị hủy bỏ. Về phần mình, Facebook cho biết những thương vụ trên chỉ là các khoản đầu tư vào đổi mới của công ty.
Cũng trong tháng 5, Hughes từng viết một câu chuyện với tiêu đề “Đã đến lúc giải tán Facebook”, trong đó có đoạn: “Những phần thưởng tài chính mà tôi gặp hái được khi làm việc tại đây đã thay đổi hoàn toàn quỹ đạo cuộc đời tôi. Và ngay cả khi đã rời khỏi đó, tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi công ty ngày càng phát triển. Mãi đến khi vụ bê bối Cambridge Analytica và bầu cử Tổng thống năm 2016 bị phanh phui, tôi mới thức tỉnh về sự nguy hiểm của sự độc quyền của Facebook”.
Vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook khiến thế giới lo ngại về bảo mật quyền riêng tư trên mạng xã hội.
Đầu năm nay, Hughes cũng công khai kêu gọi giải tán mạng xã hội tỷ dân vì cho rằng nó đã bành trướng quá mức để có thể kiểm soát. Đây dường như là một điều khá kỳ quặc, khi người sáng lập liên tục ủng hộ việc giải tán công ty do mình từng chính tay tạo ra.
Theo ước tính của Forbes, năm 2012, tài sản ròng của Hughes ước tính lên tới 700 triệu USD, cùng năm Facebook chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Trong đó, 100 triệu USD có được từ việc bán cổ phiếu công ty trước khi IPO. Sau đó, Hughes tiếp tục bán hầu hết cổ phần Facebook của mình vào cuối năm 2012. Đến 2016, tài sản ròng của anh giảm xuống còn 430 triệu USD.
Trước đây, Hughes và Zuckerberg từng có cuộc nói chuyện riêng tư để bàn về sự công bằng. Hughes yêu cầu được 10% cổ phần công ty nhưng Zuckerberg nói rằng anh không xứng đáng được nhiều như vậy và quyết định chỉ cho Hughes 2% cổ phần, mức thấp nhất trong số các nhà sáng lập Facebook.
Năm 2010, Hughes từng thành lập mạng xã hội cho các tổ chức phi lợi nhuận có tên là Jumo và bán lại 1 năm sau đó cho công ty xuất bản Good. Sau đó, anh mua lại tờ báo New Republic với giá 5 triệu USD năm 2012 và đầu tư thêm 20 triệu USD vào đơn vị này trước khi bán nó vào năm 2016. Từ đó trở đi, Hughes trở thành một trong những người dẫn đầu cuộc chiến chống lại Facebook.
Tuần trước, FTC đã chính thức thông báo Facebook phải nộp phạt 5 tỷ USD vì vi phạm chính sách bảo mật. Đây được coi là khoản phạt lớn nhất trong lịch sử mà cơ quan này ấn định cho một công ty công nghệ.
Theo Forbes