Ai nghĩ con gái không giỏi lập trình, sáng chế thì hãy nhìn thành quả mà Trang Ngân và Thảo Chi đạt được nhé. Họ thậm chí còn chưa được học qua lớp chuyên về kỹ thuật nào đâu đấy!
Sau chiếc găng tay chuyển ngữ giúp người câm điếc nói chuyện bằng lời của hai nam sinh Sài Gòn là Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân. Thì mới đây, Trần Thị Trang Ngân (chuyên Toán) và Nguyễn Hiền Thảo Chi (chuyên Anh), cùng học lớp 11, trường THPT chuyên Trần Phú – Hải Phòng cũng khiến cộng đồng hết sức thán phục vì tự mày mò nghiên cứu chiếc đồng hồ đa năng có tên là “Mind Hand”.
Trang Ngân (phải) và Thảo Chi (trái) đang say sưa lập trình cho thiết bị hỗ trợ người câm điếc của mình.
Chiếc đồng hồ sẽ tích hợp với một chiếc điện thoại thông minh để chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc thành giọng nói và giọng nói thành chữ viết.
“Bọn mình biết đến sáng chế găng tay chuyển ngữ ở cả Việt Nam và nước ngoài nhưng bọn mình thấy rằng nếu người câm điếc đeo găng tay hỗ trợ, họ sẽ cảm thấy mình khác biệt trong giao tiếp với những người xung quanh. Bọn mình muốn làm một thiết bị thật nhỏ gọn để họ hòa nhập tốt nhất có thể không bị những người khác nhìn bằng ánh mắt phân biệt”, Trang Ngân nói.
Sản phẩm qua nhiều lần cải tiến đã nhỏ gọn hơn.
Chức năng ngày càng ưu việt.
Chiếc đồng hồ lúc đầu trông khá to, cồng kềnh và chỉ có 2 mạch điện. Sau vài lần nâng cấp, sản phẩm hoàn thiện ở hiện tại trông nhỏ gọn, xinh xắn và có 3 mạch điện.
Sản phẩm đồng hồ đa năng dành cho người câm điếc của Trang Ngân và Thảo Chi được giới thiệu trên chương trình “Cafe sáng”, đã nhận được sự ngưỡng mộ của các sinh viên ngành lập trình đến từ các trường ĐH về công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Phải nhấn mạnh rằng, cả hai nữ sinh đều không học chuyên về kỹ thuật. Điều này khiến Thảo Chi và Trang Ngân phải mày mò, tự học trên mạng rất nhiều trong quá trình theo đuổi đam mê sáng chế.
Hai cô gái say sưa với đam mê sáng chế.
Dù chưa từng học qua lớp nào về công nghệ, lập trình.
Sản phẩm nhỏ gọn và mang tính ứng dụng cao của hai nữ sinh khiến cộng đồng nể phục.
“Mind Hand” vượt xa nhiều sáng chế tương tự ở thời điểm hiện tại nhờ được lập trình hàng trăm câu thoại, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Chủ nhân sáng chế đầy tính nhân văn này ấp ủ tham vọng sẽ phát triển nội dung của ứng dụng với những chủ đề chuyên sâu hơn, mở rộng ra nhiều ngôn ngữ để giúp người câm điếc không chỉ giao tiếp với bạn bè trong nước mà cả với bạn bè quốc tế.
Theo Tri Thức Trẻ