Chuyện đời

Có thể bạn chưa biết: Viết lách giúp chữa lành vết thương tâm lý, giảm thiểu triệu chứng trầm cảm, lo âu…

Xã hội càng phát triển, con người càng mắc phải những triệu chứng tâm lý gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Thay vì dùng thuốc chữa trị, gặp gỡ chuyên gia… không ít người đã và đang lựa chọn liệu pháp “viết chữa lành” để giải thoát chính mình khỏi những nỗi đau tinh thần.

Trong một buổi trị liệu viết chữa lành theo nhóm, một nhà trị liệu ngồi lại với 20 người phụ nữ đang phải chống chọi với những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, chấn thương sau tai nạn hay từng bị cưỡng bức và tấn công tình dục. Họ thực hành viết lên những trải nghiệm khó khăn trong cuộc sống bằng cách thành thật với xúc cảm và suy nghĩ của mình. 

Kết quả, 80% người tham gia cảm thấy thoải mái và dễ chịu ngay trong khi viết và nhẹ nhõm sau khi viết. Qua nhiều thử nghiệm, hầu hết bệnh nhân đều trải nghiệm hiệu quả tích cực từ việc sử dụng viết lách để đối phó với những trải nghiệm khó khăn trong cuộc đời.

“Viết tỉnh thức”: Khuyến khích sống thật với chính mình qua ngôn từ

Hẳn là bạn đã từng biết đến các cuộc trị liệu trầm cảm nhóm, bao gồm những người mắc hội chứng trầm cảm bây giờ tập trung lại với nhau thành vòng tròn và kể chân thật về nỗi đau trong đời của họ. Các nhà tâm lý học đã tìm thấy mối liên hệ giữa viết và trị liệu tâm lý. Đó là thay vì chia sẻ bằng lời nói, thì bây giờ, bạn có thể chia sẻ với chính mình. 

Những ký ức đó, cảm xúc đó, suy nghĩ đó… bây giờ hiện lên trên trang giấy hay màn hình vi tính. Nó đào thải một phần chất độc trong con người bạn, khiến bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu trong khoảnh khắc viết và sau khi viết.

Cũng trong cuộc trị liệu trên, có 2 người tham gia trong số 20 người này không cảm nhận được dòng thời gian chảy trôi khi viết, ta gọi đó là “viết thiền định” hay “viết tỉnh thức”, tức là viết mà như đang thiền, rất tập trung, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác nhân ngoại cảnh này. 

Còn tỉnh thức là trạng thái mà bạn cảm nhận bạn đang tồn tại. Khi sống tỉnh thức, bạn nhận thức được từng khoảnh khắc, những gì đang xảy ra và khi nó xảy ra. Còn khi “viết tỉnh thức”, bạn sống thật với chính bản thân mình, từng khoảnh khắc một. Bạn không dối lòng, không vội vã, bạn lựa chọn từ ngữ chân thật nhất có thể để mô tả suy nghĩ và xúc cảm của mình.

Người ta nói rằng bậc thầy lừa dối bạn không ai khác ngoài chính bản thân bạn. Thực hành viết tỉnh thức là một bài tập vô cùng quan trọng để bạn sống thật với chính mình. Bạn đang từ chối đeo mặt nạ, hay đóng những vai diễn khác nhau. Bạn tự hào là chính bạn, và viết tỉnh thức đã giúp bạn nhìn nhận vẻ đẹp của chính mình, chứ không phải của một con người nào khác mà tâm trí bạn tự đánh lừa bản thân. Dù vẻ đẹp ấy có lẽ khiến bạn đôi lúc cảm thấy thật xấu hổ, bất mãn, trẻ con, tổn thương… thì đó vốn là chính bạn.

Thực hành viết nhật ký hay viết blog cá nhân

Thuốc giảm đau chỉ có công dụng tạm thời, nỗi đau sẽ còn tái diễn và con người ta lại cần thêm một liều thuốc giảm đau khác. Viết cũng như vậy, bạn cần thực hành nó thường xuyên thì mới có cảm giác được chữa lành. Các chuyên gia tâm lý khuyên nên viết ít nhất 15 đến 20 phút mỗi ngày, tình trạng tinh thần của bạn sẽ có dấu hiệu tích cực lộ rõ.

Hồi máy vi tính chưa còn thông dụng như bây giờ, nhiều người viết tay. Nhưng hôm nay, khi đã có laptop và Internet, nhiều người tự tạo động lực viết lách bằng cách lập blog, hay đơn giản là viết lên bản Word và giữ đó như một di sản của chính mình.

Nhà văn Diana Raab đã thực hiện một cuốn hồi ký thứ 2 của mình với tiêu đề “Healing with Words: A writer’s cancer journey” (tạm dịch: Chữa bệnh bằng ngôn từ: Hành trình ung thư của một nhà văn). Tác phẩm sinh ra trong thời gian hết sức khó khăn của cuộc đời Diana. Nó bắt đầu với câu chuyện chống chọi ung thư của riêng cô nhưng cuối cùng, đã phát triển thành cuốn sách giúp đỡ và khuyến khích những người phụ nữ khác ghi lại hành trình ung thư của chính họ. 

Mỗi chương sách chia sẻ từng đoạn trải nghiệm của Diana và ở cuối mỗi chương luôn có những lời nhắc nhở về việc viết nhật ký cho những độc giả đang theo dõi. Cuốn sách đã xuất hiện trên trang blog của cô nhưng sau đó đã được xuất bản thành sách, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều người để họ lựa chọn viết lách như một phương phát chữa lành và trị liệu tâm lý.

James Pennebaker, tác giả của cuốn “Writing to Heal” (Viết để chữa lành), cũng cho rằng viết lách góp phần xóa tan rào cản giữa bạn và người khác. Nếu bạn viết, việc giao tiếp giữa bạn với người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ai ai cũng trải qua những lần mất mát, đau đớn hay bước ngoặt cuộc đời, và lựa chọn viết lách để bầu bạn khiến hành trình của họ bớt phần nào gánh nặng, cô đơn và khó khăn.

Mỗi sáng sớm hay mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy chọn không gian yên tĩnh, không bị gián đoạn bởi ngoại cảnh để viết. Bạn có thể sử dụng một cuốn sổ tay hay laptop, thắp một ngọn nến hay tinh dầu, mở một bản nhạc không lời tràn đầy cảm hứng, hít một hơi thật sâu trước khi bắt đầu. 

Chỉ bằng cách này, mỗi người dần biết chấp nhận thực tại như nó đang là, trở thành người quan sát bên thứ 3 đối với trải nghiệm của chính mình trước khi chiêm ngưỡng bức tranh hoàn chỉnh. Từ đó, họ sẵn sàng thể hiện lòng biết ơn của mình đối với cuộc sống và tự khám phá bản thể cao hơn của chính mình.

Nguồn:Tri Thức Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top