Chuyện đời

Người đàn ông 35 tuổi nhắn gửi các bạn trẻ: Muốn thành công, hãy từ bỏ ‘bệnh sĩ’, bởi thể diện là thứ rẻ nhất trên đời này!

Nhiều người thường nghèo không phải vì họ không có năng lực, mà vì họ quá coi trọng thể diện, không dám từ bỏ nó. Vì vậy, nếu trong tay vẫn chưa có gì, nên ném thể diện vào “thùng rác” đi thôi.

1. “Quá” sĩ diện, chỉ khiến bạn tự thu hẹp cuộc sống của mình

Trong cuốn tiểu thuyết “The Necklace” của Maupassant có viết một câu chuyện như vầy:

Mathilde được sinh ra trong một gia đình trung lưu, nhưng lúc nào cũng sống rất sĩ diện, cho bản thân là một quý tộc.

Một hôm, chồng cô xin được tấm vé đến bữa tiệc của bộ Giáo dục. Vì muốn được xinh đẹp và nở mày nở mặt trong bữa tiệc, Mathilde đã mượn chiếc vòng cổ bằng kim cương từ một người bạn giàu có.

Nhưng không ngờ sau đó cô lại làm mất nó. Thế là Mathilde chỉ đành vay mượn khắp nơi để mua lại chiếc vòng cổ mới trả bạn.

Cuối cùng, để trả hết nợ cho mọi người, cô phải đi làm công rất lâu cho người khác.

Mãi đến tận 10 năm sau, cô ấy mới trả hết nợ.

Nhưng sau đó, Mathilde mới phát hiện ra chiếc vòng cổ cô ấy mượn được lúc trước chỉ là chiếc vòng cổ giả.

Chỉ vì một phút hào nhoáng bên ngoài, cô ấy dùng 10 năm cuộc đời, nếm đủ khổ sở để hoàn trả.

Trong thực tế, có không ít người giống như Mathilde.

Bạn cấp ba của tôi lúc trước lấy chồng từ năm 22 tuổi. Chồng cô ấy là một người mắc bệnh sĩ diện rất cao. Anh ta có rất nhiều “bạn nhậu”, “bạn chơi game”, mà mỗi lần những người đó rủ đi uống rượu, đi tiệm net, anh ta đều không bao giờ chối từ. Hơn nữa, lần nào hóa đơn thanh toán cũng rơi lên đầu anh ta.

Cô ấy từng nhắc nhở anh ta mấy lần, việc bao bạn bè ăn uống, chơi bời cũng cần có giới hạn thôi. Bởi hai vợ chồng họ còn trẻ, kinh tế cũng không dư dả gì, còn đang dựa vào bố mẹ rất nhiều, nhưng anh ta vẫn không nghe.

Cô ấy nhịn đến tận 4 năm. Năm 26 tuổi, hai người sinh đứa con đầu lòng. Vậy mà cô ấy vẫn còn sống rất khốn khổ. Có vài tháng chỉ có thể cầm cự bằng cách ăn mì gói và cơm và rau ở nhà trồng được, thậm chí vài lần đói đến ngất xỉu.

Bác sĩ bảo cô ấy mắc bệnh về dạ dày, sức khỏe lại kém nên không đủ sữa cho con.

Điều này khiến cô ấy bùng nổ, dứt khoát đòi ly hôn với chồng.

Rất nhiều người vì cái gọi là “thể diện” mà đánh mất rất nhiều thứ vốn thuộc về mình: tiền bạc, vợ chồng, con cái, cơ hội… Họ bỏ ra nhiều như vậy, nhưng kết quả thu về được lại là số không.

 

2. Cái gọi là trưởng thành, chính là biết buông bỏ thể diện xuống

Vài ngày trước, tôi nhận được một bức thư khá đặc biệt từ một độc giả 35 tuổi, với tiêu đề là:

“Làm sao để em gái tôi bớt coi trọng thể diện?”

Vị độc giả kia tên Phong, anh ấy có một cô em gái 25 tuổi, ngay từ thời đại học, mỗi ngày cô em gái này đều nghĩ đến việc được ở lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc, bởi vì ở đây thu nhập cao, chắc chắn sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Sau khi tốt nghiệp, cô ấy quả thật đã xin vào làm nhân sự cho một công ty trong thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn trên Facebook và bề ngoài, cuộc sống của cô ấy thật sang trọng và đẹp đẽ. Công ty nằm ở tòa nhà cao tầng rộng lớn, quần áo cô ấy mặc toàn hàng hiệu sang trọng, cô ấy lại thường đi ăn trong nhà hàng đắt đỏ…

Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Công ty cô ấy đang làm là một công ty tư nhân nhỏ, ít nhân viên nên tiền lương vốn không cao. Thu nhập 7 triệu/ tháng, mỗi tháng trả tiền nhà đã muốn hết lương, vậy mà cô ấy còn thường xuyên sắm đồ hiệu, ăn nhà hàng sang chảnh…

Chính vì thế, cô ấy thường xuyên xin tiền từ gia đình và mượn người quen. Cái gọi là “tháng sau trả” chính là tháng sau dùng lương mới nhận trả xong liền mượn lại ngay.

Phong không muốn em gái mình sống như vậy mãi, nên anh ấy khuyên cô ấy bỏ thói quen tiêu pha hoang phí, “sống ảo”, thể hiện trên Facebook đi, vậy mà cô ấy không chịu nghe theo.

Phong hết lời khuyên: “Không thì đổi việc, vào công ty nhỏ cũng được, nhưng ráng thành tích cao để lương nhiều, có tiền rồi tự mình thích sắm gì thì sắm. Anh cũng không nhắc nữa.”

Nhưng cô ấy lại đáp: “Em thà làm một nhân sự không có cơ hội phát triển trong một công ty lớn. Còn hơn phải làm một tiếp thị bán hàng thành tích đứng đầu trong một công ty nhỏ.”

Trong xã hội hiện tại, rất nhiều người đều đang theo đuổi sự phồn hoa chốn đô thành, nơi nào đông vui, nhiều tiền thì chạy theo. Nhưng họ lại không ý thức được rằng thu nhập càng cao, áp lực lại càng lớn.

Yi Shu – một nhà văn nổi tiếng ở Hồng Kông từng nói:

“Thể diện là thứ mà con người ta khó buông bỏ nhất, nhưng cũng lại là thứ vô dụng nhất.”

Năm 22 tuổi, bị giám đốc của một công ty chê cười vì không có kinh nghiệm, tôi học được cách buông bỏ thể diện, mỉm cười đối mặt với lời chê bai, từ đó cố gắng mài giũa chính mình.

Khi bạn thực sự trưởng thành, bạn sẽ hiểu được rằng, có vài tình huống, khi bạn bắt buộc phải đối mặt với nó, không nên quá coi trọng thể diện.

3. Khi bạn còn “nghèo”, hãy ném thể diện vào “thùng rác”

Năm cấp một, tôi từng ngồi ngoài vỉa hè phụ mẹ bán hàng rong.

Năm cấp hai, mẹ tôi là người phụ việc trong căn tin trường. Mỗi lần ra chơi, tôi đều chạy xuống phụ mẹ rửa chén.

Năm cấp ba, mỗi lần đi học chỉ có duy nhất một đôi giày bata màu xanh, bị thủng lỗ ngay ngón chân cái. Dù mặc áo dài cũng mang nó, là con gái mà ăn mặc như vậy, nên tôi thường bị bạn bè khác lớp chê cười.

Năm nhất đại học, tôi làm mất công việc gia sư đầu tiên chỉ vì mặc đồ cũ, trong mắt phụ huynh thì lại là vì thấy tôi “bần”.

Bán hàng rong, mặc áo cũ, trong khi bạn bè ăn uống vui vẻ trong căn tin thì tôi ngồi rửa chén. Chuyện chỉ đơn giản và bình thường vậy thôi, nhưng lại có nhiều người thường cười nhạo tôi. Đến ngay cả thầy trưởng khoa toán cũng vì chuyện này mà hủy đi tư cách đi thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh của tôi với lý do: “Nhà em nghèo thế, làm công nhiều vậy, làm gì còn thời gian học mà đòi đi thi?”

Ừm, dù sao tôi cũng đã quen rồi, chẳng cảm thấy có gì phải ngại cả. Năm đó, tuy không được đi thi Toán, nhưng sau đó cô chủ nhiệm dạy Văn đã chọn tôi đi thi thay một bạn bị ốm, tôi cũng đã dành được giải ba về tay.

Dù là ai có nói gì về mẹ tôi hay tôi đi nữa, tôi cũng rất tự hào về bà. Bởi vì chúng tôi đều tự kiếm được đồng tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình, không có gì phải xấu hổ cả.

Năm hai đại học, tôi từng đi làm nhà hàng chung với một cô bé cùng phòng. Kết quả, đăng kí và đến nơi rồi, con bé lại thấy mất mặt với công việc làm công thế này nên đã tự bắt xe về.

Tôi thật sự rất khó hiểu, nếu công việc bạn đang làm là chính đáng, có gì đâu mà phải sợ mất mặt?

Nhiều người thường nghèo không phải vì họ không có năng lực, mà vì họ quá coi trọng thể diện, không dám từ bỏ nó.

Để bảo vệ thể diện, họ thà từ bỏ cơ hội. Nhưng họ lại không biết rằng, thứ khiến họ đánh mất thể diện, lại chính là “sự ngoan cố”, “yêu giữ thể diện” đó.

Thế giới này sẽ không quan tâm nhiều đến việc bạn có thể diện không? Họ chỉ quan tâm bạn đạt được cái gì, năng lực ra sao?

Vì vậy, nếu trong tay vẫn chưa có gì, nên ném thể diện vào “thùng rác” đi thôi. 

Nguồn:Tri Thức  Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top