Thời gian không rời đi vô nghĩa, mà nó như mũi kim khâu, khiến chúng ta từ những người trẻ tuổi bốc đồng, cái gì cũng dám nói, dám thử, thành những người trung niên trầm lặng.
– 01 –
Tuần trước, lớp chúng tôi có buổi họp mặt.
Người từng ồn ào, náo nhiệt, tính cách tùy tiện như Mỹ, giờ đây lại trở nên trầm lặng hơn rất nhiều, đa phần là nghe chúng tôi nói chuyện, còn cô ấy mỉm cười không nói gì.
Hồi học cấp ba, lớp tôi ai cũng bảo Mỹ giống con trai, ngay cả cô chủ nhiệm còn nói thế. Bởi vì dù là dáng đi hay cách hành xử, nói chuyện của Mỹ cũng đều rất phóng khoáng. Hơn nữa, cô ấy còn thích chơi đá banh với bọn con trai.
Còn nhớ năm cuối cấp, lớp tôi đang buồn vì sắp phải chia xa. Vậy mà chỉ vài câu chọc cười của cô ấy, cả lớp đã ôm bụng cười mà quên hết phiền muộn.
Có bạn thắc mắc:
“Này Mỹ, hôm nay cậu sao thế, làm gì mà lâu rồi không gặp, giờ lại im lặng không nói câu nào thế này?”
Mỹ nghe vậy chỉ mỉm cười đáp:
“Chắc do tớ lớn tuổi rồi, cũng không biết sao, nhưng giờ thì không thích nói nhiều như hồi trước nữa, mấy cậu có cảm thấy như thế không?”
Mọi người đều dừng lại, Mỹ tiếp tục nói:
“Hè năm ngoái, tớ đến nhà một người bạn chơi, tình cờ nhìn thấy trên bàn trà nhà cô ấy có để tượng 4 chú tiểu.
Một trong số đó có tượng “không nói”, ngụ ý là không nói lời thị phi, chỉ nói lời từ tâm, thứ không nên nói thì đừng nói; đến độ tuổi của chúng ta rồi, nên biết cẩn trọng cử chỉ, lời nói, đừng nói lời thừa. Không nên!”
Ngay lúc đó, chúng tôi chợt ngộ ra rất nhiều điều.
Ai trong chúng tôi mà chưa từng có những lúc gặp chuyện không hài lòng, mà những lúc như vậy, tâm lý lại thường thích phàn nàn, chế giễu, thậm chí là oán hận.
Đặc biệt là đến khi bước vào đời, càng nhiều chuyện khó xử, càng nhiều thứ để bất bình.
Nhưng hiện giờ lại khác, chúng tôi đều gật đầu đồng ý với Mỹ, cũng đều quyết định sau này không nên nói nhiều lời vô nghĩa làm gì.
Thời gian không rời đi vô nghĩa, mà nó như mũi kim khâu, khiến chúng tôi từ những người trẻ tuổi bốc đồng, cái gì cũng dám nói, dám thử, thành những người trung niên trầm lặng, thật đúng với câu:
“Chúng ta dùng 3 năm học nói, nhưng lại dùng cả đời để học im lặng.”
– 02 –
Cuối tuần, tôi thường cùng vài người bạn đi uống nước.
Đang trò chuyện thì điện thoại Minh reo lên, nghe đâu là một người bạn muốn mời anh ấy đi ăn tối.
Minh đáp: “Cám ơn cậu, nhưng mà tối nay tôi có việc rồi, đổi ngày khác chúng ta gặp sau nhé!”
Tôi và Minh đã là bạn chí cốt nhiều năm, tình huống của cậu ấy tôi hiểu rất rõ.
Buổi tối cậu ấy rất ít khi ăn cơm ở nhà, nhưng gặp ai không thân mà mời đi ăn, cậu ấy đều nói có việc rồi, hẹn dịp khác nhé.
Tôi mới hỏi Minh: “Chẳng phải tối nay cậu rảnh sao?”
Minh trả lời:
“Ừm, nhưng mà chắc do vấn đề tuổi tác, càng lớn tớ càng chỉ muốn giảm dần các mối quan hệ xã giao, không muốn dành quá nhiều thời gian cho những người xa lạ hoặc không thân thiết, đặc biệt là những lúc bản thân cần được thư giãn.”
Sau đó tối về, Minh gửi cho tôi một tin nhắn, chính là bức ảnh chụp màn hình anh ấy vừa xóa hết 1450 người bạn.
“Trước đây tớ có hơn 4000 bạn bè. Nhưng tớ đã xóa dần dần. Hiện tại chỉ còn hơn 1000 người.”
Tôi gửi cậu ta hình icon gật đầu, mỉm cười.
Cậu ấy nhắn tiếp:
“Đến tuổi trung niên rồi, tớ nhận ra không thể kết bạn lung tung như hồi trước nữa, phải biết sắp xếp các mối quan hệ cho hợp lý.”
Trải qua nhiều thứ như vậy, chúng ta đều bị mài mòn đi các góc cạnh, đồng thời cũng tự mình góp nhặt được rất nhiều kinh nghiệm. Có bao nhiêu người, bao nhiêu việc, đều không nên nhớ lại làm gì nữa, nên để nó lắng đọng theo thời gian thôi.
Dù là người từng phải bội bạn, hay là người từng gắn bó rất thiên thiết đi nữa, họ cũng chỉ là những hành khách đi cùng bạn chuyến xe buýt.
Họ đi cùng bạn được một đoạn, nhưng không thể đi cùng bạn cả đời!
– 03 –
9 tháng 2 là sinh nhật vợ tôi.
Hôm đó, tôi bảo vợ: “Chúng ta đi đến trung tâm mua sắm dạo một vòng đi, anh muốn mua cho em vài bộ quần áo mới, coi như là quà sinh nhật.”
Nhưng vợ tôi lại đáp:
“Đi dạo thì được, nhưng quà cáp thì khỏi cần.”
“Sao vậy?” – Tôi hỏi.
Vợ tôi nói:
“Đều đã là vợ chồng nhiều năm với nhau, còn tặng quà sinh nhật làm gì? Hơn nữa, quần áo đẹp bây giờ cũng đâu rẻ, anh tiết kiệm tiền đóng học phí cho con, đi dạo với em thì em đã vui rồi.”
Tôi nghe vậy mới mỉm cười chọc cô ấy: “Chà, bây giờ vợ anh đạt tới cảnh giới cao rồi, có cần like cho em 1000 like hay không?”
Vợ bảo:
“Ngày xưa còn nhỏ không hiểu chuyện, giờ em làm vợ, làm mẹ, gánh vác việc nhà rồi mới thấy tội ba má ngày xưa. Cuộc sống cơm áo gạo tiền không phải cứ nói suông là sống hạnh phúc được.”
Hôm đó, khi tôi đưa vợ ra ngoài, dự tính ghé qua tiệm hoa mua cho cô ấy một bó.
Nhưng cô ấy lại không chịu, bảo tôi nên dùng tiền mua thêm cái nồi mới về cho gia đình. Sau khi mua xong, cô ấy không phàn nàn, ngược lại rất vui vẻ!
Nhiều bạn bè bảo cô ấy keo kiệt, nhưng tôi chỉ thấy thương cô ấy, bởi vì tính tình cô ấy tiết kiệm là để chăm lo cho con cái được tốt, để mua những đồ vật mới về gia đình.
Nhớ trước khi lấy cô ấy, cô ấy rất thích đi mua sắm. Khi lãnh lương, khi sinh nhật, khi dịp lễ, dịp tết, thậm chí là khi buồn, cô ấy đều thỏa sức quẹt thẻ.
Cô ấy nói tôi cảm thấy không cần áy náy, bởi vì cô ấy biết tôi muốn mua nhiều thứ tốt hơn cho cô ấy, vậy là đủ.
Nhưng bây giờ cô ấy cảm thấy mình đã lớn, cũng không nên tiêu tiền tùy hứng như khi còn trẻ nữa, nên cô ấy thay đổi. Cô ấy làm thế, để cả nhà có cuộc sống tốt hơn.
Điều này khiến tôi rất cảm động.
Sau đó, tôi cũng chợt thông suốt. Vật chất chỉ là vật ngoài thân, nếu yêu cô ấy, tôi sẽ dùng hành động thực tế để chở che, bảo vệ cho mẹ con cô ấy cả đời.
Cũng không cần đắn đo quá nhiều về việc mua sắm đồ mới cho cô ấy nữa.
– 04–
Khi bạn còn trẻ, thường hay nói chuyện mà không suy nghĩ trước. Đến tuổi trung niên rồi mới hiểu được, “họa thường từ miệng mà ra”. Học được cách quản lý “cái miệng” của mình, không “khẩu nghiệp”, đó là một dạng trí tuệ.
Khi bạn còn trẻ, rất sợ cô đơn, lại thường có tư tưởng kết giao càng nhiều, càng có nhiều người để nhờ vả. Nhưng đến tuổi trung niên rồi, trở nên bình tĩnh hơn, cũng chiêm nghiệm ra nhiều điều, chỉ muốn giảm đi các mối quan hệ xã hội không cần thiết. Dành tình yêu cho đúng người, đúng việc.
Khi bạn còn trẻ, mua sắm chính là thứ bó buộc nhưng cũng là động lực để bạn đi làm. Qua tuổi trung niên rồi, thì ham muốn vật chất đều bị giảm đi, cảm thấy mọi thứ càng đơn giản càng tốt.
Nguồn:Tri Thức Trẻ
Link:http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/nguoi-den-tuoi-trung-nien-khong-noi-loi-thua-thai-khong-ket-ban-bua-bai-khong-tieu-tien-tuy-hung-52020252101542385.htm