Sự khốn quẫn về mặt tinh thần là cái nghèo đáng sợ nhất của cuộc sống. Sự giàu có thực sự là khi tâm hồn biết hài lòng, không so sánh, không quá tham vọng, chuyên tâm vào bản thân, dùng tâm để sống và tận hưởng cuộc sống. Bởi lẽ chỉ có một tâm hồn ngoan cường và biết thỏa mãn mới khiến chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Từ hôm nay, sống đơn giản hơn một chút, sống chậm lại một chút, mỉm cười đối diện với cuộc đời, thả lỏng tinh thần, sống tự tại hơn.
Đời người như hoa, kẻ nhạt là kẻ thơm. Sắc hoa càng nhạt, hoa càng thơm; sắc càng đậm càng vô vị, trọng vẻ bề ngoài là kẻ phàm tục, chú trọng tới nội tâm bên trong là người tao nhã. Đối xử với người khác, ép người quá đáng nhất định rước họa vào thân, khoan dung đại lượng ắt được lòng người; đối xử với mình, việc đã qua, ghi nhớ chỉ càng làm bản thân tổn thương, cái gì đã qua hãy cho qua, sống đơn giản, tự tại hơn một chút. Đời người, từ trong ra ngoài, luôn giữ cho mình khí chất nho nhã, mộc mạc, có vậy mới vui người vui ta.
Đời người nhất định sẽ gặp phải chuyện không thuận lợi, gặp phải những người không vừa mắt, nếu không học cách tha thứ, sống chỉ thêm mệt. Tha thứ là một loại khí chất, nó giống như chiếc ô, giúp ta tránh bị ướt trong những ngày mưa. Tha thứ là gì? Tha thứ cho chính mình không có nghĩa là buông thả bản thân, tha thứ cho người khác không có nghĩa là đánh mất đi nguyên tắc của mình; tha thứ cho cuộc sống không phải là không yêu cuộc sống. Phạm sai lầm là bình thường, khoan dung và độ lượng mới là vĩ đại!
Con người, nắm được thì cũng buông được. Nắm lấy là sinh tồn, buông bỏ chính là cuộc sống; nắm lấy được là năng lực, buông bỏ là trí tuệ. Có những người không nắm lấy được nên buông bỏ, có những người nắm lấy được nhưng lại không buông bỏ được. Nắm không được sẽ “nhất sự bất thành”, buông không được sẽ “mệt mỏi bất kham”. Đời người suy cho cùng đến cuối cũng sẽ không mang theo được bất cứ thứ gì, buông muộn chi bằng buông sớm hơn. Đặt xuống những trách nhiệm không cần thiết, để đôi vai được nhẹ nhõm và thoải mái hơn.
Tâm càng tịnh, phúc càng dày. Tâm tịnh không tịnh, không liên quan tới môi trường xung quanh. Sự tĩnh lặng sâu thẳm nhất tới từ sự khoan dung độ lượng. Phúc sâu phúc nông, không nằm ở việc có thể cười tươi đón đầu bao nhiêu việc mà nằm ở việc có thể xem nhẹ bao nhiêu sự mất mát. Đau khổ đời người nằm ở được mất. Người có tấm lòng rộng lớn, nắm lấy được thì cũng buông xuống được, coi nhẹ được mất, tâm tịnh rồi mới có thể đóng cửa lại và ngồi đó tận hưởng hạnh phúc của mình.
Khiêm tốn là mỹ đức khiến con người ta thu lợi được cả đởi. Một người hiểu khiêm tốn, là một người biết tích lũy sức mạnh, khiêm tốn giúp tránh tạo ra ấn tượng khoa trương, kiêu căng trước mọi người, và ấn tượng này vừa hay giúp ta tích lũy được kinh nghiệm và năng lực trong cả cuộc sống và công việc, cuối cùng đạt được thành công.
Có được thứ mình muốn là phúc, ao ước quá nhiều lại là mệt. Đời người, nhu cầu giống như ăn cơm, ăn hai bát cơm là đủ, nếu cứ tham ăn nhiều hơn hai bát, vậy thì không những không cảm nhận được cái lợi của việc ăn no mà còn tạo ra nhiều áp lực hơn lên dạ dày. Vì vậy, có được chưa chắc đã là hỉ, cũng không nhất định là hưởng thụ. Đừng so sánh mình với người khác, học cách không tham lam, không mưu cầu quá nhiều, trầm ổn lại một chút, biết thỏa mãn là một loại hạnh phúc.
Sinh mệnh không nằm ở tuổi tác, quý là ở tâm hồn trẻ trung; cuộc sống không nằm ở tiền bạc, quý là ở tâm trạng vui vẻ; ăn mặc không nằm ở mốt, quý là ở vừa vặn với mình; ăn uống không nằm ở ăn nhiều, quý là ở dinh dưỡng cân bằng; nhà ở không nằm ở to nhỏ, quý là ở tràn đầy tiếng cười; bạn bè không nằm ở số lượng, quý là ở đối xử chân thành với nhau.
Trưởng thành là một loại trải nghiệm, chín chắn là một sự từng trải. Ai rồi cũng trưởng thành, nhưng không phải ai cũng chín chắn. Người chín chắn không vì có được mà quá vui, cũng chẳng vì mất đi mà quá khổ, sau khi đã nỗ lực hết sức, họ sẽ thản nhiên mà tiếp nhận thành quả. Người chín chắn, không vì công thành danh toại mà không coi ai ra gì, cũng không vì vô danh mà tự ti yếu đuối, họ luôn rất thản nhiên với cuộc sống. Người chín chắn, có thể gánh vác trách nhiệm, hiểu thế nào là biết ơn, tâm tịnh khí hòa, điềm tĩnh ung dung.
“Cho đi”, nghe có vẻ là cho người khác, nhưng thực ra là cho chính bản thân mình. Cho đi một lời khen, bạn mới có lại được sự khen ngợi, cho đi một nụ cười, người khác mới quay đầu mỉm cười lại với bạn. Quan hệ giữa cho đi và nhận lại giống như quan hệ nhân quả, nhân quả là tương quan, cho đi và nhận lại cũng tương hỗ với nhau. Vì vậy, chúng ta thường hay khuyên người khác đừng đem những phiền não, buồn rầu của mình truyền lây sang người khác, đó là bởi vì cho đi cái gì sẽ nhận lại cái đó, đây là luật nhân quả.
Có 4 chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc: “khẩu trung hữu đức, mục trung hữu nhân, tâm trung hữu ái, hành trung hữu thiện”. “Khẩu trung hữu đức” ý muốn nói nói năng hãy có chừng mực, đừng “khẩu nghiệp”, đừng gây ra “bạo lực mềm” với người khác. “Mục trung hữu nhân” muốn nói chúng ta hãy bước ra khỏi thiên đường bản ngã của riêng mình, lấy tâm đổi lấy tâm, chân thành đối đãi với người khác. “Tâm trung hữu ái” nghĩa là hãy gieo trồng những hạt giống yêu thương trên cánh đồng trái tim, đồng thời cẩn thận bảo vệ giúp nó phát triển khỏe mạnh. “Hành trung hữu thiện” ý muốn nói người đi đến đâu hãy đem theo tình yêu thương đi tới đó.
Nguồn:Tri Thức Trẻ