Giả sử một ngày bạn không còn sống ở chốn thị thành đầy đủ tiện nghi, bạn nghĩ mình sẽ cần trang bị những kỹ năng gì để có thể hoàn toàn tận hưởng cuộc sống ấy?
Thử tưởng tượng một ngày bạn lạc đến vùng núi để tình nguyện cả tháng trời, nơi những tiện nghi được tối giản hóa nhất có thể, bạn sẽ làm những gì để tận hưởng cơ hội có một không hai ấy? Trước hết, hãy trang bị (lại) cho mình những kỹ năng thiết yếu mà có thể ta đang dần lãng quên dưới đây.
1 – Nấu ăn
Hãy thú nhận đi, bạn nấu nướng bao nhiêu bữa một tuần, và bạn có thể nấu những món gì? Theo nghiên cứu, chỉ có khoảng 50% dân số cảm thấy tự tin với chuyện bếp núc, và bạn có thể đang hối hận vì đã không theo mẹ vào bếp quan sát, học nấu những món ăn ngon như cơm nhà.
Có một sự thật là ăn ngoài không chỉ tốn kém, mà bạn còn không thể kiểm soát được nguyên liệu hay lượng gia vị trong những bữa ăn của mình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với nhiều đầu việc và những mối quan hệ xã hội dường như càng chiếm lĩnh quỹ thời gian eo hẹp của bạn, khiến cho việc chuẩn bị và nấu nướng trở nên… xa vời hơn.
Thế nhưng, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhiều hơn một lợi ích của việc tự nấu nướng: cải thiện tâm trạng, cải thiện sức khỏe thể chất và khiến bạn trở nên dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Thử tưởng tượng bạn sẽ khiến bạn bè mình ngạc nhiên thế nào với món bánh chuối tự nướng vào một ngày mưa?
2 – Giao tiếp bằng mắt
Người trẻ như chúng ta dành ra trung bình 7 giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính/điện thoại, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không cần phải tương tác với người mình đang trò chuyện bằng ánh mắt hay thể hiện cảm xúc chân thực qua ánh mắt.
Nhưng không phải ngẫu nhiên người ta luôn nói ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, và những người được nhận định có sức lôi cuốn đặc biệt là những người luôn nhìn thẳng vào mắt người mình đang trò chuyện cùng.
Ánh mắt thể hiện nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng: sự tự tin, sự tin tưởng, sự tập trung và tôn trọng đối phương. Thậm chí nếu là một người hướng nội, ánh mắt còn có thể giúp bạn thể hiện tình cảm như yêu, thích, ghét, giận… Bạn sẽ muốn chăm sóc cho đôi mắt của mình nhiều hơn và luyện tập cách giao tiếp bằng mắt nếu muốn thành công trong giao tiếp dù với công việc hay trong cuộc sống hàng ngày đấy.
3 – Đi bộ
Tôi nghiêm túc đấy! Từ việc leo vài tầng cầu thang đến đi bộ qua vài dãy phố, kỹ năng nghe tưởng như đùa này dường như đang dần bị thay thế bởi Grab, thang máy, xe máy, ô tô hay bất cứ phương tiện và tiện ích nào bạn có thể nghĩ đến.
Vì sao đi bộ quan trọng ư?
Ở châu Âu, hoạt động yêu thích của mọi người là đi dạo hàng cây số trong rừng, leo núi dã ngoại cả ngày trời, hay leo cầu thang bộ lên căn hộ của mình. Bên cạnh đó, mức độ hạnh phúc, dẻo dai và gắn bó với thiên nhiên của họ đã được ca ngợi trong hàng ngàn đầu sách xuất bản khắp nơi trên thế giới.
Nếu không có ai đi bộ cùng bạn đến quán café gần nhà, hãy đi bộ một mình. Bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cảm giác sảng khoái khi cơ thể được vận động và mọi giác quan của bạn tương tác với môi trường xung quanh cùng lúc. Và khi đến được quán café, chút mệt mỏi sẽ khiến bạn tận hưởng cốc cà phê của mình trọn vẹn hơn. 1-2 cây số không nên là thử thách. Hãy biến nó như thói quen hàng ngày.
4 – Sửa chữa hay tự làm dụng cụ trong nhà
Có thể thế hệ cha mẹ chúng ta là những người cuối cùng biết sửa chữa đồ đạc, bánh xe đạp bị tuột xích, đường ống bị tràn nước, hay những việc đơn giản như treo rèm. Thậm chí việc xưa như quả đất là dọn dẹp nhà cửa giờ đây cũng bị thay thế bởi dịch vụ dọn nhà.
Thế nhưng, bạn có biết dọn dẹp là một liệu pháp giúp bạn quên đi những căng thẳng hay lo lắng? Và những kỹ năng sửa chữa, DIY không bao giờ là thừa thải khi chúng ta chọn một cuộc sống độc lập và chủ động nhất có thể.
Hãy nghĩ đến cảm giác tự tin và tự hào khi bạn có thể làm chủ (trong khả năng của mình) vỡi những đồ đạc trong nhà. Chiếc quần của bạn quá dài ư? Tại sao bạn không tự cắt ngắn nó nhỉ?
5 – Giải quyết mâu thuẫn
Mâu thuẫn dường như là từ ngữ được coi như là “cấm kỵ” ở thời đại tưởng như mọi thứ đều không còn giới hạn. Nếu ai cũng có thể giải quyết những mâu thuẫn bằng những cách thông minh (hơn là việc tảng lờ đi và thể hiện thái độ sau lưng), không phải gánh nặng và môi trường làm việc/sống của bạn sẽ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều sao?
Đối mặt với mâu thuẫn có thể khiến ta cảm thấy không thoải mái và thậm chí khiến ta hành xử theo chiều hướng tiêu cực khi tâm trí không còn tỉnh táo và sự giận dữ có thể lấn át. Đó là lí do đây hoàn toàn là kỹ năng cần được trau dồi.
Bật mí cho bạn, hãy nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ thay vì chỉ từ điểm nhìn của bạn. Dù bạn có không đồng tình tuyệt đối với người đối diện, bạn vẫn sẽ có thể có một cuộc tranh luận lành mạnh kết thúc bằng một thỏa thuận chung hay chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm. Đây là chìa khóa cải thiện mọi mối quan hệ, khi biết điều này rồi, bạn sẽ không còn muốn tránh né những mâu thuẫn nữa đâu.
(Medium, barcode)
Nguồn: Tri Thức Trẻ