Câu chuyện kinh doanh

Khốc liệt thương mại điện tử Việt Nam: TiKi lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm, 500 tỷ đồng đầu tư của VNG đã về “mo”

Chỉ riêng trong năm 2018, sau khi được VNG và JD.com bơm thêm vốn, mức lỗ của TiKi đã tăng gấp gần 3 lần lên trên 750 tỷ đồng.

Sau khi không thành công với những dự án thương mại điện tử do mình tự phát triển, đầu năm 2016, Công ty cổ phần VNG đã đầu tư 384 tỷ đồng để trở thành một trong những cổ đông chủ chốt của trang thương mại điện tử TiKi. Đến đầu năm 2018, tổng số tiền đầu tư của VNG vào Tiki đã tăng lên 506 tỷ đồng, tương ứng với 28,88% cổ phần.

Cũng trong vòng gọi vốn đầu năm 2018, Tiki còn xuất hiện thêm một số cổ đông mới, đáng kể nhất là tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com. Đến tháng 4/2019, JD.com đã nắm giữ 25,65% cổ phần của Tiki.

Với việc Tiki đang lỗ rất lớn để chạy đua giành thị phần với Lazada, Shopee hay Sendo thì định kỳ VNG cũng phải ghi nhận một khoản lỗ từ Tiki vào kết quả kinh doanh của mình.

Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, qua đó VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 tỷ và 126 tỷ vào kết quả kinh doanh của mình. Năm 2018, khoản lỗ từ Tiki mà VNG phải “gánh” tăng hơn gấp đôi lên 254 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào Tiki trên sổ sách của VNG chỉ là 33 tỷ đồng.

Đến quý 1/2019 – sau 9 quý đầu tư – nhiều khả năng giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki. Nếu VNG không tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki thì từ nay Tiki có lỗ thêm thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VNG.

Tất nhiên việc VNG “mất” 506 tỷ đồng đầu tư vào Tiki chỉ là việc ghi nhận theo quy định kế toán. Mặc dù lỗ rất lớn nhưng Tiki hiện vẫn là một trong những công ty công nghệ đắt giá nhất hiện nay. Khi VNG đầu tư vào Tiki từ đầu năm 2016, định giá của công ty này lúc chỉ chưa đến 50 triệu USD và hiện có thể đã lên đến vài trăm triệu USD.

Với việc có thêm nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư mới, Tiki đã không ngại “đốt tiền” với mức lỗ năm 2018 lên đến 757 tỷ đồng – theo như số liệu công bố trong báo cáo thường niên của VNG.

Mức lỗ này gấp gần 3 lần so với năm 2017 qua đó nâng tổng lỗ lũy kế của Tiki đến cuối năm 2018 vào khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 3 năm gần đây khi nhận vốn đầu tư của VNG rồi JD.com thì TiKi đã lỗ hơn 1.200 tỷ.

Trong ngành thương mại điện tử Việt Nam thì việc lỗ tới 800-1000 tỷ đồng/năm cũng không phải là điều mới mẻ. Lazada cũng từng “đạt” được mức lỗ này vào các năm 2015-2016 và lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là hơn 3.100 tỷ đồng. Shopee cũng lỗ lũy kế trên 800 tỷ đồng đến cuối năm 2017.

Bên cạnh thương mại điện tử, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến những cuộc đua “đốt tiền” như lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn hay ví điện tử.

VNG – thông qua công ty con Zion – cũng tham gia vào lĩnh vực thanh toán online với ví điện tử Zalo Pay. Năm 2018, công ty này lỗ hơn 133 tỷ đồng.

Nguồn: VNG

Theo Trí thức trẻ

Bài viết nổi bật

To Top