Trong suốt gần hai chục năm làm việc, tôi đã có cơ hội được nói chuyện cùng rất nhiều CEO, tôi phát hiện điều khác biệt giữa họ và người bình thường là khi bạn đưa ra bất kì một vấn đề nào đó, thì trong mắt họ đó không phải là vấn đề, mà là thử thách, họ sẽ dùng một tâm thái bình thản để đón nhận.
Trong cuộc đời, ai cũng sẽ gặp trắc trở khó khăn, chỉ là khó khăn mà chúng ta gặp không giống nhau, vì thế chúng ta không cần ngưỡng mộ người khác.
Tôi vẫn thường nói với mọi người, mỗi người ta hàng ngày đều vác trên vai một chiếc túi đi khắp nơi, trong túi này có tất cả hỉ, nộ, ái, ố, những rắc rối, trắc trở mà chúng ta đã trải qua và cả một “núi” vấn đề đợi chúng ta giải quyết ở phía trước. Nếu một ngày nào đó bạn không hài lòng với chiếc túi của mình, vậy thì chúng ta có thể cùng đổ tất cả mọi thứ trong túi ra, cùng so sánh, xem bạn muốn đổi túi với ai. Tôi nghĩ rằng đa số mọi người đều sẽ chọn tiếp tục đeo tiếp chiếc túi của chính mình bởi vì bạn sẽ phát hiện ra túi của người khác cũng không tốt hơn bạn bao nhiêu.
Đa số mọi người thường “xấu che đẹp khoe” vì thế những gì chúng ta nhìn thấy là những gì họ muốn ta thấy chứ chưa chắc đã là sự thật, điều này làm chúng ta lầm tưởng rằng họ sống rất tốt.
Tất cả mọi người đều phải đối mặt với những việc ngoài ý muốn, không thuận lợi, quan trọng là bạn dùng tâm thái như thế nào để đón nhận nó.
Khi đối mặt với những khó khăn khăn này, người thành công sẽ từ trong khó khăn để tìm ra cơ hội, nguy cơ cũng chính là cơ hội để chuyển mình, còn người thất bại chỉ biết kêu ca, chỉ biết đó là khó khăn và cam chịu.
Năm 2008, tại một buổi workshop ở nước ngoài, tôi có gặp nói chuyện với hai doanh nhân kinh doanh cùng ngành đến từ hai quốc gia Châu Á khác. Vì khi đó đang xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, nên một trong hai người doanh nhân đã chia sẻ với tôi rằng ông ấy rất lo lắng cho tương lai phát triển của công ty, ông ý sợ khách hàng sẽ bị giảm, chi ra nhiều mà thu lại thì ít, nên ông ấy định cắt giảm nhân lực, giảm thiểu gánh nặng chi tiêu, đợi vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này lại tiếp tục tuyển thêm nhân viên sau. Cũng vấn đề này, nhưng người doanh nhân còn lại lại không nghĩ vậy. Ông ấy muốn nhân dịp này bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân viên, bình thường nhân viên giỏi khó tuyển, nên những lúc như thế này là cơ hội tốt để tìm người tài, ông ấy nói đợi khi nền kinh tế phục hồi, cũng đúng lúc lứa người tài của ông cũng được bồi dưỡng xong, có thể “ra trận giết giặc, giành chiến lợi phẩm.”
Cùng một tình huống, hai cách suy nghĩ, và dĩ nhiên kết quả sẽ không giống nhau. Người thứ nhất, vì quyết định thu nhỏ quy mô công ty nên khi kinh tế phục hồi, không kịp điều chỉnh lại đội ngũ công ty dẫn đến năng lực cạnh tranh giảm mạnh, công ty càng ngày càng nhỏ. Người thứ hai, sau khi kinh tế phục hồi, ông ấy cạnh tranh được rất nhiều hợp đồng, chẳng mấy chốc công ty của ông ấy đã trở thành công ty hàng đầu.
Người bi quan luôn nhìn thấy khó khăn đầu tiên và lựa chọn đi theo con đường phòng thủ, ngược lại người lạc quan sẽ nhìn thấy cơ hội trước tiên nên họ thường tạo ra những kì tích mà người thường khó làm được. Tất nhiên không phải việc gì cũng chỉ nhìn cơ hội mà không quan tâm đến nguy cơ, nhưng nếu như chỉ biết thủ thành, không tìm cơ hội thì sẽ khó có thể đột phá tình thế. Tình thế là hiện thực, là chuyện đã xảy ra, mà cơ hội là biến động, là chìa khóa để thoát khỏi tình thế, vậy thì tại sao không thử?
Người ta thường có thói quen phóng đại chuyện xung quanh cũng như những vấn đề mà bản thân gặp phải nên rất dễ bị vây hãm trong suy nghĩ ấy, thực ra chỉ cần bạn ngẩng đầu, bạn sẽ phát hiện trời rộng bao la, đâu đâu cũng là cơ hội. Vì thế, hãy từ bỏ thói quen oán trách kêu ca, hãy tự thắp cho mình một ngọn nến hi vọng và thử tìm cơ hội đột phá, tôi tin là bạn sẽ thành công.
Nguồn:Tri Thức Trẻ