Đời Sống

Những số liệu cho thấy ngành công nghiệp du lịch tạo ra doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD và 319 triệu việc làm cho toàn thế giới đang ‘lao đao’ vì Covid-19

 Dịch Covid-19 có thể gây ra khủng hoảng tồi tệ nhất cho ngành du lịch kể từ sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ.

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới với doanh thu đạt 5,7 nghìn tỷ USD. Nó tạo ra 319 triệu việc làm – tức là cứ 1 trong 10 người trên thế giới làm việc trong lĩnh vực này. Nhưng, cũng không lĩnh vực nào lại chịu rủi ro lớn vì dịch Covid-19 như du lịch.

Kể từ khi dịch bệnh do virus corona bùng phát, lệnh cấm du lịch được đặt ra, nhiều chuyến đi bị hủy, dù là đi nghỉ dưỡng hay công tác. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là mới bắt đầu mà thôi.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây có thể là khủng hoảng tồi tệ nhất của ngành du lịch kể từ sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ.

“Nó đang trên bờ vực khủng hoảng. Đây là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức”, theo Mark Zandi – Kinh tế trưởng tại Moody’s.

Tầm quan trọng của du lịch với nền kinh tế toàn cầu

Việc ảnh hưởng tới ngành công nghiệp du lịch có thể trở thành đà kéo sụt giảm nền kinh tế toàn cầu nếu như virus corona tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới.

“Ngành này rất quan trọng. Nếu tính toán toàn bộ ảnh hưởng của ngành du lịch, nó còn lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên khắp thế giới. Không ngành công nghiệp nào khác tạo ra 1 trong 10 việc làm cho thế giới cả”, theo Adam Sacks – Chủ tịch công ty nghiên cứu Tourism Economics nói.

“Một phần là bởi ngành công nghiệp này khá đa dạng. Nó gồm nhiều thứ mà bạn không nghĩ tới. Ngoài hàng không, khách sạn, còn là bán lẻ, nhà hàng và cả một phần công nghệ nữa”.

Trong khi đó, ảnh hưởng tới ngành du lịch đang tăng lên từng ngày.

Lượng du lịch giảm mạnh trên khắp thế giới, không chỉ là là hành trình đến và đi từ Trung Quốc – tâm dịch mà còn là những quốc gia châu Á khác. Tuần này, United Airlines tiết lộ họ đã chứng kiến nhu cầu của khách hàng tới Trung Quốc giảm gần như hoàn toàn và giảm 75% nhu cầu đến những hành trình khác xuyên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc vốn là lực lượng du lịch thường xuyên, lớn nhất trên thế giới, với 180 triệu người có hộ chiếu so với mức 147 triệu người Mỹ.

Nhu cầu đi công tác cũng giảm mạnh

Sự khủng hoảng du lịch vượt ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Nhiều hội thảo lớn dự kiến thu hút hơn 100.000 lượt thăm quan mỗi nơi đã bị hủy dù địa điểm đó có phải là nơi có dịch hay không. Lý do là bởi những vị khách từ khắp nơi trên thế giới có thể mang virus tới sự kiện và những người nhiễm bệnh lại có thời gian ủ bệnh rất lâu.

Những hội thảo bị hủy lớn có thể kể đến như Mobile World Congress tại Barcelona, Geneva Motor Show, F8 của Facebook…

“Sự thật là sự kiện du lịch toàn cầu lớn nhất cũng bị hủy”, Sacks nhắc đến ITB Berlin – sự kiện lớn của chính bản thân ngành du lịch – thứ được kỳ vọng thu hút hơn 160.000 người tham gia.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Những chuyến công tác cũng bị hủy hay hoãn lại do lo ngại của các công ty về việc đưa nhân viên của họ đến những vùng nguy hiểm.

Những công ty lớn như Amazon đều đưa ra thông báo không khuyến khích việc đi lại không cần thiết với nhân viên. Một khảo sát 400 doanh nghiệp cho thấy gần một nửa đã hủy hoặc hoãn ít nhất một vài cuộc họp hay chuyến công tác. Nhóm này ước tính khoảng 37% lịch công tác đã bị huỷ.

Lo ngại du lịch tăng mỗi ngày do những bài báo về dịch bệnh bùng phát mọi nơi trên thế giới.

“Về cơ bản nó ảnh hưởng tới cách nhiều công ty đang kinh doanh. Nếu thành một thảm họa toàn cầu, ngành công nghiệp du lịch có thể mất hàng tỷ USD – một ảnh hưởng sẽ tác động tiêu cực cho kinh tế toàn cầu”.

Du lịch nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng

Không chỉ là công tác. Người Mỹ cũng bận rộn lên kế hoạch du lịch cho mùa xuân và hè nhưng giờ họ sẽ phải cân nhắc lại.

Một khảo sát 1.200 người Mỹ mới đây cho thấy 1 trong 8 người đã thay đổi kế hoạch du lịch vì lo ngại dịch bệnh.

Ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào việc dịch bệnh sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa. Những dịch bệnh trước như SARS đã cho thấy mọi người sẵn sàng đi du lịch ngay khi mọi thứ bình thường trở lại nếu cảm thấy an toàn.

Tuy nhiên, phần lớn những chuyến đi đã bị hủy hoặc sẽ hủy trong một vài tuần hoặc vài tháng tới sẽ rất khó để lấy lại được.

“Nó sẽ mất mãi mãi. Không giống như việc bạn có thể tổ chứ buổi hội thảo thứ 2 vào mùa thu nếu buổi vào mùa xuân bị hủy”.

Hàng triệu người mất việc

Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu nào cụ thể cho thấy một lượng lớn việc làm trong ngành du lịch bị cắt giảm. Nhưng, hàng triệu người có thể mất việc nếu nhu cầu du lịch tiếp tục sụt giảm. Điều đó đặc biệt đúng đối với những việc làm dịch vụ có lương thấp như buồng phòng khách sạn, lễ tân nhà hàng khách sạn.

Và khi lực lượng này tập trung vào việc giảm chi tiêu, nó sẽ gây tác động cho toàn ngành kinh tế”.

“Những người lao động thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu ngay lập tức. Điều đó gây ảnh hưởng đáng kể đối với kinh tế toàn thế giới”. Nhóm nghiên cứu nói rằng sự sụt giảm các hoạt động kinh tế toàn cầu có thể đạt nhiều nhất 1 nghìn tỷ USD.

Các chuyên gia không tin rằng cú đánh của dịch Covid-19 vào ngành công nghiệp du lịch đủ để châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng sự thật là virus corona đang có sức ảnh hưởng lan rộng trên nền kinh tế toàn cầu.

Các thị trường tài chính thế giới đều chứng kiến đà lao dốc, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nhiên liệu và lượng sản xuất giảm vì nhu cầu tiêu dùng giảm. Tất cả những thứ đó kết hợp cùng với đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp du lịch sẽ có thể gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. 

Nguồn:Tri Thức Trẻ

Link:http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/nhung-so-lieu-cho-thay-nganh-cong-nghiep-du-lich-tao-ra-doanh-thu-57-nghin-ty-usd-va-319-trieu-viec-lam-cho-toan-the-gioi-dang-lao-dao-vi-covid-19-52020337341278.htm

Bài viết nổi bật

To Top