Năm bạn 25 tuổi, mọi bình phẩm về cơ thể dường như sẽ ở lại rất lâu trong tâm trí bạn – như chiếc loa rè cũ kỹ và ám ảnh. Tôi đã dùng rất nhiều ý chí của mình để chèn những bình phẩm xuống, dù chúng là bông đùa hay ác ý, vô tư hay hàm ẩn sự dè bỉu, dù chúng xổ thẳng vào mặt hay ý tứ mỉa mai.
Khi con mèo bị thương ở đuôi – thứ duy nhất nó nghĩ đến là chiếc đuôi bị thương.
Tôi cũng vậy. Khoảng 14 năm tôi không để gương trong nhà, và luôn chống cự lại ý tốt của bạn bè mỗi lần cần mua sắm trang phục mới.
Tôi quá béo không thể mặc vừa thứ gì.
Mọi kiểu quần áo trẻ trung dễ thương đều không dành cho người quá cân và không cân đối.
Đôi vai trong gương to như lực sĩ. Thô lỗ, uốn cong, và gù hẳn xuống. Hậu quả của hơn chục năm ngồi đọc sách sai tư thế đã uốn còng hai vai về trước.
Tôi ghét nhìn thấy bụng mình trong gương. Những thằng bạn rất thân của tôi hay đùa: “Bụng mày còn to hơn ngực.” – Tôi vẫn biết chúng chẳng ác ý gì. Đó là những người bạn tốt nhất đến tận bây giờ của đời tôi. Nhưng chúng nói đúng, tôi không dám nhìn xuống cái bụng đầy mỡ của mình.
Cẳng chân ngắn ngủn, to béo trở thành hai cái cột nhà kỳ cục trước bất kỳ bộ váy nào.
Thứ trang phục duy nhất “giấu” tất cả phần cơ thể hiềm khích đó là trang phục của đàn ông. Tôi phát hiện điều đó sau vài lần tròng thử chiếc áo thun của bạn mình vào. Vừa vặn. Che giấu. Và chúng cũng giấu luôn giấc mơ được có hình hài một phụ nữ.
Bạn mất bao lâu để biết yêu cơ thể mình? – Tôi tự hỏi câu đó vô số lần.
Ở tuổi 29, tôi bắt đầu đọc về khái niệm “body shaming” – một nội dung mới mẻ Tây phương mà bạn bè đi học nước ngoài mang về, chỉ vào tôi và phán: “Mày bị tụi nó body shaming rồi.” (Những thằng bạn hay cười vào cái bụng béo của tôi vẫn là người động viên tôi qua mọi kỳ thi, giúp tôi vượt qua những cuộc thất tình kinh hoàng, và dắt tôi đi trong ngày buồn bã không tả nổi. Vậy chúng có body shaming không?)
Dần dần, những bạn khác quanh tôi, với kích cỡ cơ thể bằng tôi, hơn tôi, với toàn bộ sự bất tiện khổ sở của việc thừa cân: bắt đầu mạnh mẽ nói rằng họ thấy hạnh phúc dù vẫn béo như vậy – và họ cứ ăn cho thỏa thích thôi – đời có bao lâu mà.
Một mặt tôi thở phào hạnh phúc: Ôi, có một thế hệ đã khác mình. Họ không im lặng buồn tủi vì bị ai đó trêu chọc. Họ không nén những lời ác độc xuống để “gồng” làm kẻ tỉnh bơ ngon lành. Họ dũng cảm hơn tôi rất nhiều.
Nhưng mặt khác, tôi nhìn xuống chân mình: Đầu gối phải bắt đầu rất đau sau những chuyến đi bộ dài trời lạnh. Bác sĩ bảo vì tôi thừa cân nên áp lực lên đầu gối lớn, và đầu gối phải lại có vết mổ. Cách duy nhất để hết đau là giảm cân.
Tôi đọc nhiều quyển sách nói về quá trình giảm cân. Những liệu trình có giá hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Kế hoạch ăn kiêng thần thánh giảm 10kg trong nửa tháng. Hình ảnh mời gọi của cô gái eo thon, mặc bikini trên bìa quyển sách bí kíp giảm cân. Cả những tác giả viết cực kỳ tốt mà tôi hâm mộ là Roxane Gay cũng viết một quyển về cuộc đời thừa cân khổ sở của cô. Những liệu pháp “mì ăn liền” hơn là quần lót bó bụng để không thấy béo. Là món thuốc “xổ” giúp giảm cân liền bằng cuộc tiêu chảy nhân tạo khổ sở. Cả thế giới đang hùng hục giảm cân, còn tôi đang thơ thẩn nghĩ coi nên làm gì với cơ thể mình.
Tôi quyết định thực hiện quá trình giảm cân ba năm trước. Nó thay đổi mọi giác độ của tôi về tình yêu với cơ thể, về cảm giác sống, về những ý niệm mà người xung quanh nhồi vào đầu mình (nhất là khi nó là thị trường hời lắm tiền đến vậy).
Nhưng tôi không chi một đồng nào cả.
Tôi đã không mua bất cứ bí kíp ăn kiêng, gói ăn kiêng, package 3 bữa mỗi ngày cho tháng giảm cân hay bất cứ loại thuốc và thực phẩm chức năng nào. Tôi không đến phòng gym để đứng máy massage một tháng và đóng 2 triệu tiền tập. Tôi cũng không bỏ công lên mạng ngồi ship những loại thuốc “rửa ruột”, “rửa mỡ” đắt tiền bán trên Amazon hay Alibaba về Việt Nam.
Giảm cân là cuộc đấu tranh tinh thần mà ta tự gây chiến với bản thân mình. Ta khổ sở nuốt sự thật vào tim là mình thừa cân, cơ thể mình thực sự không ổn. Ta vật lộn với ám ảnh mình rất đói và cần ăn thêm nữa. Ta chiến đấu với mỗi buổi sáng phải bật dậy từ sáu giờ để đi ra công viên tập bài tập theo cái video Youtube nào đó. Ta ghét tất cả những buổi tập mà bạn bè vẫn mải miết chơi, còn mình đã kiệt sức rời khỏi sân sớm. Ta bước vào siêu thị, lướt qua hết những gian hàng bán thực phẩm nịnh vị, ngọt mặn xa hoa, chiên xào đậm nét. Ta mua về nhà những món rau củ, thịt thà tươi, lọ mọ cắt gọt và nấu từng bữa đúng như chị hướng dẫn dạy. Không ăn quá ngọt. Không ăn quá mặn. Không chiên xào. Không ăn quá khẩu phần. Ta buộc mình đứng dậy sau vài giờ ngồi viết và tập những bài bổ trợ cổ, vai, gáy để giảm độ gù.
Sau ba năm, tôi giảm 14kg và dừng lại ở mức cân nặng mong muốn: không gây đau đầu gối mỗi khi đi lại nữa.
Trong suốt hành trình tập luyện, tôi nhớ về tất cả sự cay đắng của mình. Sự cay đắng khi bị những đàn ông nhìn cơ thể mình bằng ánh mắt dè bỉu ra mặt, hoặc bằng những câu đùa thẳng vào mặt giữa đám đông không cần ý tứ. Tôi nghĩ về người bạn gái có ý tốt, cố gắng giải thích cho tôi về vẻ đẹp của một người gầy, và tôi cần phải mặc áo “giấu bụng” ra sao. Tôi nghĩ về cơ thể cũ của mình với câu hỏi cũ lơ lửng hồ nghi: Tôi có yêu cơ thể mình không? Tại sao tôi lại bắt thế giới phải yêu cơ thể ấy?
Tôi đã bị gù xuống vì không tập luyện. Đốt sống cổ và lưng bắt đầu có những dấu hiệu không ổn chút nào. Tôi thường xuyên nhức đầu trong ngày làm việc. Tôi chẳng thể mặc bất cứ trang phục gì cho ra hồn. Bụng luôn đau nhói khi phải vận động mạnh. Đầu gối đau khi đi nhiều. Vai nhức buốt nếu ngồi viết khoảng sáu giờ. Sự đau đớn hiện diện thường xuyên tới nỗi tôi quên mất có một cách sống khác từng tồn tại – khi cơ thể mình chẳng bị đau gì hết.
Cơ thể chẳng hề yêu tôi – dù tôi có dũng cảm chửi vào mặt bao nhiêu lời “body shaming” chăng nữa. Nó không hề khỏe mạnh. Nó không muốn sống. Nó không đủ sức để đi khắp thế gian và ngắm nhìn thiên nhiên.
Nếu bạn vẫn đang vật lộn với suy nghĩ rằng: Thế giới đang body shaming mình và mình chẳng có gì sai hết, cứ tiếp tục như cũ thôi, hãy dành thêm một bước để soi chiếu cơ thể mình: Bạn có đủ dũng cảm sống với cơ thể đó không? Bạn có dũng cảm yêu nó không? Bạn có thoải mái khi vận động, làm việc, nghỉ ngơi hay đơn giản là… mặc quần áo không?
Tại sao phải bắt thế giới chấp nhận cơ thể bạn nếu như chính bạn cảm thấy mình không hề khỏe mạnh vì những thói quen sống không ổn?
Tôi chọn ngừng đổ lỗi cho thế giới “body shaming” đầy rẫy ngoài kia. Tôi muốn thấy cơ thể khỏe mạnh của mình quay trở lại, như những ngày sống không có cơn đau nào ám ảnh khi 13 -14 tuổi. Cha mẹ đã dành cho tôi một cơ thể khỏe mạnh trọn vẹn. Bằng sự mù lòa nào đó, tôi đã hủy hoại nó nhanh chóng trong 15 năm sau đó.
Mỗi khi có ai đó nói: “Em có mập đâu, em đừng tập nữa, thế là đủ rồi. Giảm cân nữa bị nghiện đấy.” – Tôi dặn mình bằng những lời người hướng dẫn từng nói: Bạn phải tập lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu bạn ngồi không bị đau lưng, không bị gù xuống, thì tư thế ngồi của bạn chẳng có gì sai. Nếu bạn tập để không bị béo lên và dẻo dai hơn khi làm việc, thì việc tập chẳng có gì sai. Hãy tự hỏi cơ thể bạn, nó có đau không, nó có hài lòng với dáng vẻ của nó không? Nó có tự do không?
Khi ấy tôi nhớ về cái bụng mỡ của mình vài năm trước – cái bụng chứa thật nhiều “nội hàm” đầy mâu thuẫn của cơ thể thế giới bên ngoài, với những cái tên thật kêu như: danh dự, ý tứ, sự nhạy cảm, “body shaming”, hay tuyên ngôn “tự tin với những gì thuộc về mình”. Có lẽ vì cái bụng quá to.
Có lẽ tôi cần phải tập cho nó tan đi. Có lẽ tôi không cần mang vác nhiều ẩn ý giằng xé đến vậy.
Tôi đã biết yêu cơ thể mình – hơn vài năm trước.
*Bài viết được trích từ blog khaidon.com.
Nguồn:Tri Thức Trẻ