Để cuộc trò chuyện hiệu quả, đừng chỉ chăm chăm vào mục đích cá nhân. Hãy xây dựng một mối quan hệ hai chiều giúp đôi bên cùng phát triển tích cực.
Năm 2002, Dawn Graham đang có một công việc trong mơ tại một công ty toàn cầu. Cô háo hức với sự nghiệp và thậm chí đang chuẩn bị để được điều động đến một vị trí mới. Thế nhưng, vào một buổi chiều ngày thứ ba, Graham nhận được một cuộc gọi từ phòng nhân sự: cô đã bị cho nghỉ việc.
Giữa sự hoang mang và bất ngờ, Graham phải lao vào một hành trình tìm kiếm việc làm. Cô gửi hồ sơ ứng tuyển đến mọi vị trí mình tìm được, kể cả khi đó là những công việc gần như chẳng liên quan. Một đêm, sau khi về nhà trong sự mệt mỏi, thất vọng vì không nhận được lời hồi đáp nào, cô tình cờ gặp được người hàng xóm trong thang máy.
Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên giúp Graham phát hiện ra rằng hàng xóm của mình biết những cơ hội tuyển dụng cho các vị trí mà cô mong ước. Cô nhận được lời đề nghị giới thiệu đến những công ty đó. Trong vòng 2 tuần sau đó, Graham cuối cùng cũng có một cuộc phỏng vấn.
Giờ đây, khi đã trở thành một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và giám đốc đào tạo chương trình MBA tại đại học Pennsylvania, Graham rút ra được rằng: hàng tháng trời tìm kiếm xa xôi đã không đem lại cho cô kết quả gì. Nhưng chỉ một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với một người ở ngay bên cạnh đã đem đến cho cô một cơ hội thật sự.
Cô nhận ra sai lầm lớn nhất của mình, cũng là sai lầm lớn của tất cả những ai đang lê bước trên hành trình tìm kiếm việc làm là: định hướng sai lầm trong việc tìm kiếm thông tin ngay từ đầu.
“Chúng ta thường tin rằng nếu mình đủ điều kiện ứng tuyển, mình không cần đến sự giúp đỡ để tìm việc”, Graham nói. Sự e ngại trong việc phải tạo các mối quan hệ, cũng như sự phụ thuộc vào các trang web tuyển dụng, là nguyên nhân khiến mọi người thường tốn thời gian tìm kiếm việc làm mà không thu được hiệu quả gì. Việc tìm kiếm một mẩu tin tuyển dụng rồi gửi hồ sơ ứng tuyển đơn giản hơn nhiều việc phải kết nối, chuyện trò và tìm hiểu cơ hội từ mọi người.
Thế nhưng, chúng ta không thể phớt lờ đi sự thật này: Việc tạo lập những mạng lưới quan hệ là cần thiết và hiệu quả hơn rất nhiều. Các nhà tuyển dụng cũng ghét việc tìm ứng viên y như bạn ghét việc đi tìm tin tuyển dụng vậy. Họ muốn tìm những người mà họ có thể tin tưởng, và do đó, những ứng viên có sự giới thiệu luôn chiếm được ưu thế. Lời giới thiệu giúp nhà tuyển dụng sàng lọc được ứng viên mà không cần tốn nhiều công sức.
Theo một thống kê gần đây, những người được giới thiệu có đến 50% cơ hội nhận phỏng vấn, trong khi những người không có mối quan hệ nào chỉ có 3% cơ hội. Một thống kê đáng kinh ngạc chỉ ra rằng, có tới 80% vị trí được tuyển dụng kín thông qua lời giới thiệu thay vì được công khai đăng tuyển.
Thế nhưng, tìm kiếm các mối quan hệ không có nghĩa là bạn luôn phải săn đón những người lạ. Từ thực tế kinh nghiệm, Graham đưa ra lời khuyên dễ dàng hơn rất nhiều: hãy chia sẻ quá trình tìm kiếm công việc của bạn với những người mà bạn đã biết. Đó có thể là gia đình, là bạn bè, là những đồng nghiệp hoặc đối tác mà bạn đã quen biết.
Tất cả những gì bạn cần làm là giúp họ hiểu hơn về năng lực và định hướng nghề nghiệp của bạn. Trò chuyện với họ về công việc mà bạn làm, về những năng lực chuyên môn mà bạn có và những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng đối với bạn.
Để cuộc trò chuyện hiệu quả, đừng chỉ chăm chăm vào mục đích cá nhân. Hãy xây dựng một mối quan hệ hai chiều giúp đôi bên cùng phát triển tích cực. Trao đổi với họ về lĩnh vực họ làm việc, về mục tiêu nghề nghiệp và những dự định phát triển của họ. Những cuộc nói chuyện như vậy có thể giúp bạn kết nối sâu sắc hơn với họ, đồng thời đem đến các mối liên hệ giữa hai phía mà bạn chưa từng biết.
Hãy luôn nhớ rằng: “Mỗi người mà bạn biết đều có một mạng lưới quan hệ tiềm năng đang chờ được khám phá”.
Nguồn:Tri Thức Trẻ