Chuyện đời

Làm việc cật lực nhưng vẫn bị đánh giá thấp, nhận lương ít ỏi: Chịu đựng và kiên trì là hai khái niệm khác nhau, đừng dại dột mà cống hiến nhầm chỗ!

Công việc bạn làm, dù là gì đi chăng nữa, thì cũng nên mang lại niềm vui và một viễn cảnh sáng sủa chứ không phải là phiền não cùng với một tương lai bất định.

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã từng phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm được đồng tiền hoặc để thăng tiến. Điều đó là dễ hiểu bởi vì kiên nhẫn và nỗ lực luôn là chìa khóa quan trọng của thành công. 

Tuy nhiên, nếu bạn đang hằng ngày cật lực với một khối lượng công việc đồ sộ, đi sớm về muộn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực cho tổ chức nhưng vẫn phải sống với đồng lương ba cọc ba đồng; lãnh đạo và đồng nghiệp cũng không ghi nhận thì có lẽ, đã đến lúc bạn nên nghĩ đến lối thoát cho bản thân. Đó không phải là sự nhẫn nhịn hay nỗ lực hết mình mà là bạn đang cố gắng chịu đựng sự thiếu tôn trọng từ một nơi tồi tệ.

Công việc nào cũng nên mang lại sự thoải mái chứ không phải là phiền muộn

Đồng ý rằng đã đi làm thì phải chấp nhận khổ cực, vất vả, bị đối xử tệ và nhiều ấm ức khác. Không có môi trường nào là hoàn hảo và cũng không có công ty nào sẵn sàng trả cho nhân viên lương cao cũng như tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, phúc lợi tốt, đồng nghiệp tốt bụng, sếp giỏi và lộ trình thăng tiến rõ ràng. Vì vậy, là phận làm thuê thì phải chấp nhận mọi điều tiêu cực xảy đến trong cuộc chiến vì đồng tiền bát gạo.

Nhưng nếu cứ phải làm việc quần quật hơn 8 tiếng mỗi ngày với một đống áp lực từ lãnh đạo cho đến khách hàng, trong khi đồng nghiệp thì luôn soi mói, sân si và tiền lương thì chẳng mấy khả quan; thì phải chăng bạn đang đối xử tệ với bản thân? Hãy thử tưởng tượng, mỗi ngày đi làm về, bạn luôn phải suy nghĩ về công việc, những mối quan hệ, tiền bạc và tương lai. Cuộc sống này đã đủ mệt mỏi rồi, tại sao cứ gò ép mình vào một công việc chỉ mang lại phiền muộn? Đó có phải là một cuộc sống có nhiều niềm vui và một viễn cảnh mà bạn hằng mơ ước?

Phiền muộn cũng giống như khi ta cầm một cốc nước, giữ nó trong một phút thì mọi chuyện là không có gì đáng nói. Nhưng nếu ta cầm trong một giờ thì cánh tay sẽ nhức mỏi và đau đớn vô cùng. Vậy nên, phải biết cách buông bỏ những căng thằng, áp lực trong công việc trước khi nỏ hủy hoại tương lai và định hướng cuộc sống của bạn. Công việc bạn làm, dù là gì đi chăng nữa, thì cũng nên mang lại niềm vui và một viễn cảnh sáng sủa chứ không phải là phiền não cùng với một tương lai bất định.

Thực ra, nhảy việc cũng không phải là một thứ gì đó quá tồi tệ. Điều tồi tệ là hằng ngày đến công ty mà chẳng mấy vui vẻ. Nếu đang phải đối mặt với những điều tiêu cực trên, hãy tìm lối thoát cho riêng mình, đó là hoặc tìm cách cải thiện tình hình, hoặc tìm một công việc mới, phù hợp hơn với bản thân. Vì chỉ khi đối xử tốt với chính mình, thì cuộc đời mới mỉm cười với bạn.

Công việc nào cũng cần sự tôn trọng

Thời sinh viên, có lần tôi làm phục vụ quán cà phê để kiếm sống. Hồi đó, bản mô tả công việc của quán rất hấp dẫn: sẵn sàng dạy cho nhân viên cách pha chế mọi thứ đồng uống, công việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc thân thiện, đồng nghiệp dễ thương, và mức lương cạnh tranh so với mặt bằng chung. Nhưng khi bắt đầu làm việc, những gì mà quán cà phê đó vẽ ra hoàn toàn sụp đổ trước mắt tôi.

Công việc rất nặng nhọc. Tôi còn nhớ, mỗi ca làm việc chỉ có bốn đến năm nhân viên phải vừa pha chế đồ uống, vừa phục vụ khách. Cứ mỗi ca buổi trưa, quán rất đông khách nhưng hầu như chí có mình tôi bưng bê nước, những người còn lại, có người thì pha chế, cũng có làm thu ngân nhưng cũng có người chỉ ngồi không, bấm điện thoại và tám chuyện. Và đến chiều, cũng chỉ có một mình tôi lau bàn ghế, rửa ly, dọn dẹp rác. 

Làm xong những công việc trên, chưa kịp nghỉ ngơi năm phút, đồng nghiệp (người làm trước tôi) lại yêu cầu tôi đi tưới cây, quét sân, lau dọn quầy. Những người cũ dường như luôn vẽ ra công việc để tôi làm, bòn rút sức lao động của người mới từng giờ từng phút, trong khi họ thì ngồi không. 

Họ cũng chẳng chỉ dạy cho tôi pha chế nhiều loại đồ uống ngoài những món đơn giản như nước chanh, trà đào, trà vải, cà phê đen, cà phê sữa. Đồng lương thì rất bèo bọt, chỉ 13.000 đồng/giờ, lộ trình tăng lương là ba tháng tăng lương một lần và mỗi lần tăng 4.000 đồng. Vậy đó, tiền lương làm việc quần quật cả tiếng đồng hồ cũng chưa đủ cho một ly cà phê. Điều đáng nói nhất là tôi đã không được các nhân viên khác tôn trọng, thay vào đó là sự sai khiến quá mức, chửi rủa mỗi khi tôi vô tình mắc sai lầm, sự lạnh nhạt và ích kỷ từ họ.

Công việc nặng nhọc mà không được tôn trọng, tôi xin nghỉ sau vài tuần. Mãi sau này, tôi mới hiểu rằng, do những nhân viên cũ lo sợ mất vị trí pha chế nên mới đối xử với người mới như vậy. Bởi vì, đứng tại quầy làm đồ uống thì luôn nhẹ nhàng hơn là chạy phục vụ. Sau nhiều năm, những kỷ niệm về nỗi ấm ức, những giọt mồ hôi khi còn làm việc tại quán cà phê đó vẫn luôn in sâu trong tâm trí tôi.

Sẽ có người nói rằng, đi làm thì phải chịu đựng cảnh bị bắt nạt, bị thiếu tôn trọng hay thậm chí là mọi cay đắng. Nhưng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, nơi mà mọi mối quan hệ, mọi công việc đều cần có sự tôn trọng. Làm việc với nhau là những thỏa thuận đàng hoàng chứ không phải là sự ban ơn từ người làm chủ.

Làm việc trong một tổ chức, người nhân viên được trả lương đầy đủ, còn người làm chủ thì cũng hoàn thành công việc và thu lợi về cho bản thân họ. Thử hỏi, nếu không có những người làm thuê đang trực tiếp làm những công việc kia thì doanh nghiệp của ông chủ có thu nhập hay không? Ai cũng vất vả, ai cũng cố gắng làm việc vì đồng tiền mà thôi, nên tốt nhất là hãy tôn trọng lẫn nhau. Đồng nghiệp cũ, trưởng phòng hay giám đốc cũng cần nhau để cùng tồn tại và phát triển, không một ai nên là “người khổng lồ” để rồi hành xử thiếu sự tôn trọng đối với nhân viên, người thừa hành. Bởi vì đó là cách hành xử cơ bản của những con người văn minh.

Làm việc cật lực nhưng vẫn bị đánh giá thấp, nhận lương ít ỏi: Chịu đựng và kiên trì là hai khái niệm khác nhau, đừng dại dột mà cống hiến nhầm chỗ! - Ảnh 2.

Rốt cuộc, chúng ta làm việc vì điều gì?

Người thành công không chỉ làm việc vì tiền, địa vị, mà còn vì những cơ hội. Cơ hội chính là những thứ chúng ta học được từ một người sếp giỏi – người luôn sẵn sàng giúp đỡ, cảm thông với nhân viên, yêu thương thực tập, đánh giá đúng năng lực và biết ghi nhận đóng góp của cấp dưới. Cơ hội còn đến từ một môi trường làm việc thoải mái, nơi mà con người ở đó luôn dành cho nhau sự tôn trọng. Và cơ hội cũng chỉ xuất hiện khi công việc đó mang lại cho bạn sự hào hứng, đam mê, tình thần sẵn sàng cống hiến cho công ty.

Rất nhiều người bị ám ảnh rằng nhảy việc, từ bỏ một vị trí ổn định là thất bại. Có lẽ, quan niệm đó không phải bao giờ cũng đúng. Vì cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Đôi khi, người ta sẽ chỉ nhớ đến một vài lần bạn mắc sai lầm, một lần vô tình làm sai nội quy của tổ chức, chứ không hề ghi nhận những đóng góp trước đó. Và bạn cũng có thể bị coi là “đòi hỏi quá nhiều” khi yêu cầu tăng lương mà chẳng hề được nhớ đến là một nhân viên luôn tận tâm trong công việc.

Cuối năm, chúng ta lại bàn về câu chuyện tiền thưởng, tiền lương tháng 13, thành tích trong một năm làm việc và rất nhiều điều được chờ đợi khác. Đây cũng là lúc để bạn nhìn lại quãng thời gian qua là thành công hay thất bại.

Thành công là khi bạn được làm việc trong một môi trường mang lại một khoản tiền lương khá, một vị trí tốt, một viễn cảnh tươi đẹp và đặc biệt là sự an yên trong tâm hồn, sao cho mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Và ở chiều ngược lại, làm một công việc chỉ mang lại đồng lương ít ỏi, kèm theo phải chịu đựng những ấm ức và sự thiếu tôn trọng, có nghĩa là bạn đã thất bại và đối xử tệ với bản thân. Đối với những ai đang trải qua những điều tiêu cực trên, hy vọng rằng bạn sẽ can đảm từ bỏ công việc đáng lẽ ra không thuộc về mình và tìm được những điều tốt đẹp trong tương lai. 

Nguồn:Tri Thức Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top