01
Tôi nhớ ngày xưa khi còn bé, mỗi khi không phải đi học lại cùng bố mẹ tận hưởng những ngày nghỉ lễ êm đềm.
Đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bức tường vô hình ngăn cách tôi với bố mẹ của mình được thiết lập. Càng lớn, bức tường ấy ngày càng trở nên vững chắc và kiên cố hơn, tôi cũng dần đánh mất khả năng giao tiếp cùng với bố mẹ của mình.
Tôi cũng như rất nhiều người, khi còn trẻ đem mọi điều có thể để chia sẻ với bố mẹ, nhưng khi lớn lên thì dù cậy miệng cũng khó để bản thân hé răng nửa lời với bậc sinh thành.
Dưới đây là câu chuyện có thật của một người bạn tôi quen. Dù được nghe kể về câu chuyện này đã lâu nhưng dư âm của nó vẫn khiến tôi ấn tượng đến tận bây giờ.
Năm ngoái, mẹ bạn tôi bị bệnh, và bà chỉ thừa nhận điều đó sau nửa tháng nhập viện. Bạn tôi bảo sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy mẹ mình trên giường bệnh.
Khi nhìn thấy con, mẹ anh không ngạc nhiên, cũng không tỏ ra vui mừng, chỉ lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt. Biểu hiện của mẹ anh lúc ấy cứ như thể là mình đã làm sai điều gì đó nghiêm trọng. Thậm chí, bà còn trách chồng mình vì đã nhiều lời, đem chuyện của bà nói cho con trai. Bà quả quyết với anh là bệnh của mình không có gì nghiêm trọng, giục anh đi về công ty: “Mẹ xin lỗi đã làm ảnh hưởng đến công việc của con.”
Vào khoảnh khắc ấy, bạn tôi không thể kìm được những giọt nước mắt, tự trách bản thân ngàn vạn lần vì ngày xưa không dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ.
Những người trẻ, cuộc sống của họ nói chung rất bận rộn. Họ bộn bề với công việc, bận rộn với những mối quan hệ bè bạn, và tất bật dành thời gian để dung dưỡng tình yêu của đời mình. Giai đoạn này mấy người có thời gian đoái hoài đến cha mẹ của mình! Quỹ thời gian của họ eo hẹp đến mức họ phải tằn tiện từng phút để dành thời gian cho người thân trong gia đình. Việc vội vã sống để trưởng thành khiến họ đôi khi bực tức vô cớ khi nghe thấy giọng nói của bố mẹ.
Sự xa lánh của chúng ta dành cho bố mẹ của mình thưởng bắt đầu từ việc “Một người quên không hỏi han, còn một người thì không dám nói lời yêu thương”. Theo thời gian, bố mẹ an phận trở thành những người hiểu chuyện. Không làm phiền con mình, là sự hi sinh cao quý nhất mà bố mẹ có thể dành cho chúng ta. Thế nhưng chúng ta có hiểu và trân trọng điều đó?
02
Đoạn phim quảng cáo hay là đoạn phim thể hiện được những gì sâu trong tim chúng ta biết là đúng nhưng không bao giờ dám nói ra. Gần đây, tôi đã may mắn xem được một đoạn phim quảng cáo như thế.
Nội dung đoạn quảng cáo kể về một người đang đi phỏng vấn xin việc. Những gì ông chia sẻ rất hợp tình hợp lý, chỉ cần nghe qua cũng có thể chắc chắn rằng ông là người tri thức. Với trình độ của mình, ông có thể trở thành một người quản lý giỏi. Nhưng ông đang yêu cầu người phỏng vấn cho mình được làm thực tập sinh để học việc từ đầu.
Trước sự ngỡ ngàng của người phỏng vấn, ông thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã trở thành một lão già vô dụng và hết thời rồi, con tôi bây giờ cũng chẳng cần sự giúp đỡ của tôi nữa. Tôi ra quầy để trả tiền bữa ăn cho con, nhưng hoá ra tiền đã được con mình thanh toán qua mạng. Thấy tôi chuẩn bị ra ngoài mua cà phê, con tôi đã giữ tôi lại, bảo tôi không cần đi đâu cả. Nó bấm điện thoại một chút, rồi nửa tiếng sau cà phê được giao đến tận nhà.” Ông mỉm cười: “Ngày xưa, con luôn ca ngợi tôi là siêu nhân. Còn bây giờ, con tôi đã khôn lớn, đâu còn cần ông bố siêu nhân lỗi thời này nữa rồi.”
Để không bị tụt hậu, ông quyết định sẽ làm lại từ đầu. Ông muốn hiểu và theo kịp thời đại mà con mình đang sống, hi vọng có thể trở thành “ông bố siêu nhân” trong mắt con một lần nữa.
Trong mắt chúng ta, bố mẹ là những người “lỗi thời”. Họ không hiểu ngay cả những điều cơ bản nhất trong thế giới của chúng ta. Chúng ta quá vội vàng để cập nhật xu hướng của thời đại nên càng không có thời gian để chờ đợi bố mẹ đuổi kịp mình. Chúng ta không hề biết rằng, dù chậm chạp, nhưng bố mẹ cũng đang gắng hết sức mình cố gắng để hiểu hơn về chúng ta.
Sự xa lánh của chúng ta với bố mẹ đôi khi bắt đầu bằng việc “Một người không thể bắt kịp, một người không thể chờ đợi.” Nhưng thực sự đấy, chúng ta phải cấp cập đến thế cơ à?
03
Đến một độ tuổi nhất định, dường như bố mẹ chúng ta trở nên “lắm lời” hơn. Bố mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ. Những ngày cuối tuần không phải đi làm, tôi thường xuyên phải lắng nghe những bài ca bất hủ của bố mẹ, như là “Làm vất vả đến đâu cũng không được thức khuya con nhé”, “Chịu khó ăn ở nhà, đi ăn ngoài không tốt cho sức khoẻ đâu”, “Lúc đi ngủ phải để điện thoại tránh xa khỏi mình”.
Tôi khi ấy, theo cách nói của những bạn trẻ bây giờ, ráng hết sức để giữ một tấm lòng bao dung, độ lượng, tránh “khẩu nghiệp”. Nhiều khi phải âm thầm nén tiếng thở dài, bởi thực sự mà nói thì, những điều bố mẹ nhắc nhở tôi quá biết rồi, có gì lạ nữa đâu.
Vài năm trước, khi thấy tôi không nghe lời, bố mẹ tôi sẽ nạt nộ và dùng mọi cách để ép tôi vào khuôn khổ. Nhưng gần đây, tôi nhận thấy họ không còn kiên quyết như ngày xưa nữa. Họ thường chỉ nói nhẹ nhàng với tôi rồi âm thầm rời đi.
Không biết từ bao giờ, bố mẹ tôi đã chấp nhận rằng thúc giục tôi thay đổi chỉ là một việc làm vô nghĩa. Tình thương của họ chỉ nhận lại được gương mặt lộ rõ sự phiền phức của đứa con thân yêu của mình, cũng chả trách được khi họ ngày càng trở nên xa cách.
Đối với chúng ta mà nói, quá trình trưởng thành là để chứng minh mình không còn phải phụ thuộc vào bố mẹ. Nhưng cùng với lúc chúng ta cố gắng chứng tỏ bản thân mình, bố mẹ chúng ta cũng dần dần trở nên lẫm chẫm và già đi.
Bố mẹ có thói quen thúc giục con cái của mình làm một điều gì đó. Bởi trong mắt họ, con mình mãi mãi chỉ là một đứa trẻ ngây ngô vụng dại. Những câu những điều họ nói với chúng ta đều ẩn chứa trong đó những âu lo: lo chúng ta không có công ăn việc làm ổn định, lo rằng không giúp đỡ được chúng ta khi họ già đi,…
Cùng với những nỗi băn khoăn của mình, bố mẹ thúc giục chúng ta, cốt chỉ để chúng ta tiết kiệm được nhiều hơn một chút thời gian của mình, cùng với đó là giúp chúng ta tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Và thường thì, chúng ta hờ hững trước sự dịu dàng ân cần này của bố mẹ.
Sự xa lánh của chúng ta với bố mẹ đôi khi bắt đầu bằng việc “Một người luôn nhắc nhở, một người luôn cảm thấy phiền hà vì điều đó”.
Tại sao chúng ta ngày càng trở nên xa cách với bố mẹ của mình? Bởi vì những gì chúng ta dành cho bố mẹ của mình thực sự quá ít.
Người trưởng thành thường quá bận rộn với cuộc sống của họ mà vô tình quên đi những giá trị sâu sắc đến từ những người thân trong gia đình của mình. Đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra, bố mẹ tuy là người họ dành ít thời gian cùng nhất, lại là những người thương yêu họ nhiều đến mức không ai sánh bằng.
Cuộc đời này ngắn lắm, thời gian mà chúng ta được ở bên người thân trong gia đình mình cũng không nhiều. Có nhiều chuyện, nếu bạn không làm bây giờ, sau này sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để thực hiện nó nữa.
Hãy nói chuyện với bố mẹ của mình nhiều hơn. Thời gian không có lỗi gì cả, đừng đổ lỗi cho thời gian cho những im lặng của mình với bố mẹ. Tình yêu dành cho bố mẹ là tình cảm đáng quý nhất trên đời, đừng ngại thể hiện điều đó bằng những ngôn từ ấm áp nhất dành cho bố mẹ của mình.
Nguồn: Tri Thức Trẻ