Chuyện đời

Người trưởng thành liên tục stress: Nguyên nhân đa phần đều bắt nguồn từ việc thiếu tiền

Quá trình kiếm tiền có thể sẽ rất vất vả, nhưng giai đoạn sống thiếu tiền còn khổ cực hơn nhiều. Cuộc sống không thiếu tiền có bao nhiêu hạnh phúc, chỉ có người từng sống mệt mỏi vì thiếu tiền, mới hiểu rõ nhất.

Căn cứ theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Mỹ “Nghiên cứu mất ngủ năm 2019”, có 78% người trưởng thành mất ngủ vì vấn đề tài chính, trong đó 14% nhóm người từ 39 – 54 tuổi là bị ảnh hưởng nặng nhất, còn lại 64% số người có độ tuổi từ 23 – 38 tuổi.

Có một số người biểu hiện bên ngoài rất bình tĩnh, vui vẻ, nhưng thực tế mỗi đêm đều bị mất ngủ, thậm chí còn ôm chăn mà khóc.

Tại sao bọn họ lại như thế? Vì bị sức ép cuộc sống làm trầm cảm, bị hiện thực cuộc sống đẩy vào con đường sụp đổ tinh thần.

Người ta thường nói sống trên đời thật không dễ dàng, nhưng đa số phiền não của con người trong cuộc sống đều có thể được chữa khỏi bằng tiền.

01

Lúc còn nhỏ, có bố mẹ che mưa che nắng, chúng ta thường nghĩ chỉ cần học giỏi, tiền sẽ rất dễ kiếm. Đối với những ai keo kiệt, quá coi trọng đồng tiền, hay tham tiền, chúng ta thấy họ thật tầm thường.

Nhưng khi lớn rồi, đối diện với mưa sa bão táp cuộc đời, chúng ta mới nhận ra được, kiếm được nhiều tiền thật sự là liều thuốc tốt có thể chữa khỏi mọi cảm xúc tiêu cực của rất nhiều người trưởng thành.

“Cuộc sống là quá trình bị đả kích một cách chậm chạp.”

Tại sao lại bị đả kích?

Tai nạn, thất nghiệp, tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu, nhân phẩm bị người ta chà đạp…

Nếu nói cuộc đời mỗi người là một quá trình rèn luyện để trưởng thành, vậy những người có tiền thường sống thuận buồm xuôi gió, suôn sẻ hơn nhiều. Mà những người nghèo khổ, thiếu thốn, cuộc sống lại như trải qua 9981 kiếp nạn.

Lúc trước gần nhà tôi có một dì lớn tuổi tên An, dì ấy đưa chó đến chỗ bác sĩ thú y để khám, vì bụng chú chó bị phình to. Bác sĩ nói chú chó bị tích tụ nước, cần kiểm tra và khám kĩ hơn, phí khám bệnh và tiền thuốc men tổng hết là 1 triệu rưỡi. Dì An vừa nghe xong liền chào bác sĩ rồi ôm chó đi ngay. Bác sĩ mới ngăn cản và không vui nói: “Dì nuôi chó mà lại tiếc tiền lo cho nó là sao? Nếu dì không chữa, con chó này chắc chắn phải chết đấy.”

Lúc này dì An mới bật khóc. Con chó này đã theo dì ấy đến 14 năm, từ lúc hai vợ chồng dì lấy nhau đến giờ. Nhưng hiện tại dì một mình vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải dành dụm chữa trị cho chồng mình đang chạy thận trong bệnh viện, thật sự không còn cách nào để đào ra được tiền.

Từ bỏ một sinh mệnh, còn là con vật yêu quý luôn bầu bạn với mình khiến dì thật không nỡ, nhưng để lựa chọn, dì vẫn đành lựa chọn chồng con của mình. Đối với nhiều người, 1 triệu rưỡi chỉ là hạt cát giữa sa mạc, chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đối với người khác, nó thật sự rất lớn lao.

Điều này khiến tôi nhớ lại câu nói của Trương Ái Linh: “Tôi thích tiền, vì tôi chưa từng chịu khổ khi có nhiều tiền, nên không biết được chỗ xấu của tiền, chỉ hiểu được chỗ tốt của nó thôi.”

Quá trình kiếm tiền có thể sẽ rất vất vả, nhưng giai đoạn sống thiếu tiền còn khổ cực hơn nhiều. Cuộc sống không thiếu tiền có bao nhiêu hạnh phúc, chỉ có người từng sống mệt mỏi vì thiếu tiền, mới hiểu rõ nhất.

02

Tình cảm là thứ trân quý trong cuộc sống, nhưng đi kèm với nó thường là sự hối tiếc.

Mà có vài hối tiếc, rất đáng tiếc, cũng rất cay đắng, vì khi đó chỉ cần có tiền, là có thể giải quyết và tránh được sự hối tiếc này.

Năm lớp 12 khi tôi nằm viện, có một bà lão lớn tuổi đã quỳ xuống trước cửa phòng phẫu thuật để cầu xin đội ngũ bác sĩ và y tá cứu con của mình. Con trai của bà lão đi làm về khuya, không may lại gặp phải đám thanh niên đua xe, bọn họ tông trúng người xong liền bỏ chạy. Khi bà lão biết chuyện đến bệnh viện thì con trai bà đã ở trong tình trạng nguy kịch rồi.

Bà lão là mẹ đơn thân, gia đình từ nơi khác chuyển đến, không có họ hàng cũng chẳng quen thân ai, chỉ có hai mẹ con sống thui thủi với nhau. Bà không đủ tiền đóng tiền viện phí, nên con trai vẫn chưa được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo theo quy định bệnh viện phải đóng tiền phí trước mới được chữa trị.

Người xung quanh cũng có vài người mủi lòng cho vài trăm, vài chục ngàn, nhưng dù sao người ta cũng có người nhà là bệnh nhân trong đó, giúp được một ít là hết khả năng rồi. Thế nên bà lão đành chạy về nhà chật vật mượn hàng xóm, mượn người quen, mượn cả những người cho vay nặng lãi.

Chỉ là khi gom đủ tiền rồi thì con trai bà cũng vừa trút hơi thở cuối cùng…

Có người nói người nghèo có cách nghĩ của người nghèo, người giàu có suy nghĩ của người giàu, chỉ cần bản thân có thể chấp nhận, họ có thể lựa chọn sống thế nào vẫn vui vẻ khi thiếu tiền.

Nhưng bạn nên nhớ, bạn thì có thể, vậy những người thân, người yêu của bạn thì sao? Bạn muốn quan tâm, bảo vệ họ, nhưng bạn không có tiền, chỉ có tình cảm, về lâu về dài, điều đó có còn thực tế nữa không?

Hôn nhân thiếu tình cảm có thể sẽ không hạnh phúc, nhưng hôn nhân thiếu tiền, lúc nào cũng phải giật gấu vá vai, muốn sinh con cũng phải đắn đo xem có nên hay không, có đủ tiền nuôi con hay không, lại càng khó hạnh phúc hơn.

Tại sao con ngoan trò giỏi đa phần đều là con nhà nghèo? Những đứa trẻ nghèo hầu hết đều sống nội tâm, ít nói, hoặc trưởng thành hơn bạn đồng trang lứa, vì sao vậy?

Vì bọn trẻ biết, nếu không chịu cố gắng học, cuộc đời mình sau này cũng phải ngày ngày cực nhọc chạy theo đồng tiền như thế. Không có tiền mua thứ mình thích, sắm thứ mình cần, không dám ngỏ lời với người mình yêu, không ngẩng đầu được với bạn đồng trang lứa, thậm chí không đủ điều kiện để chăm lo cho bố mẹ đã già.

Đây là thời đại của ước mơ, ai cũng có quyền được ước mơ, nhưng vì nghèo mà có nhiều người bị giết chết ước mơ, bị cướp quyền lựa chọn ước mơ, hoặc thực hiện được ước mơ nhưng chậm hơn rất nhiều.

Tại sao chúng ta “không dám” nghèo? Vì chúng ta có nhiều người mà mình muốn bảo vệ.

Thế nên mới có câu tốc độ kiếm tiền phải nhanh hơn tốc độ bố mẹ già đi.

Chỉ có liều mạng cố gắng, mới có thể không khó xử, xót xa trước mặt con nhỏ.

Chỉ có bản thân chuẩn bị tốt, mới có thể khiến những người thân yêu gặp được cuộc sống tốt hơn.

03

Nhiều người cho rằng phải biết thỏa mãn với những gì mình đang có, nhưng nó không hề mâu thuẫn với việc phải cố gắng để tạo cho mình cuộc sống tốt hơn.

Nếu bạn nghèo đến nỗi ngay cả cuộc sống cơ bản cũng không tự lo được, thiếu tiền đến độ như vậy, bạn còn có thể ung dung, thản nhiên mượn tiền người khác, hay xin tiền cha mẹ mà sống tiêu dao, tự tại nữa không?

Theo thống kê cho thấy có đến 75% các vụ tự tử ở nông thôn là do bệnh nặng không có tiền điều trị. Bệnh viện đối với chúng ta mà nói, có thể là nơi để chúng ta chiến đấu, chống lại bệnh tật. Nhưng đối với những người nghèo mà nói, nó lại là nơi tuyên án tử hình.

Hiện trạng của người trẻ thời nay có thể được tóm tắt như sau:

“Lo lắng vì không có gì, và lại tiếp tục không có gì trong lo lắng. Khi nằm xuống, thì không muốn động, nhưng nhìn thấy người khác thành công thì lại ngưỡng mộ.”

Vốn dĩ có thể thay đổi được thực tại, nhưng theo thói quen, bạn cứ hẹn, cứ đợi, và cứ đứng tại chỗ.

Thứ đáng sợ nhất không phải người khác giỏi hơn bạn, mà những người giỏi hơn bạn còn nỗ lực hơn bạn rất nhiều.

04

Người giàu có họ hàng, bạn bè rải đầy từ trung tâm thành phố đến trên núi sâu.

Trong xã hội này, thứ không thể tách rời, từ bỏ được nhất, vẫn là tiền.

Nó là thực tế, không phải thực dụng.

Tiền là cảm giác an toàn cho người nghèo và thứ chứng tỏ đẳng cấp của người giàu.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng kiếm tiền.

Mong rằng những khó khăn hôm nay, chỉ là bước đệm để bạn thành công trong tương lai.

Nguồn:Tri  Thức trẻ

Bài viết nổi bật

To Top