Thử thách khó khăn nhất của tình BẠN và tình BÈ luôn là hai chữ “vay tiền”, hễ vay là biết.
Anh Đại Nguyên là giám đốc của một công ty bán lẻ nhỏ. Cuộc sống không quá giàu có nhưng cũng dư dả, đồng ra đồng vào, không hề túng thiếu cả tiền bạc lẫn các mối quan hệ xung quanh. Cho đến khi, một cuộc điện thoại vay tiền đã khiến rất nhiều vấn đề tiềm ẩn nổi lên, khiến anh Đại Nguyên phải suy ngẫm lại.
Câu chuyện được anh kể lại như sau:
Tháng trước, một trong những người bạn của tôi gặp rắc rối trong kinh doanh nên có nhu cầu cần gấp một khoản tài chính. Khi nhận được cuộc điện thoại của anh ta, tôi đã cảm thấy có chút lạ lùng vì quan hệ giữa chúng tôi chỉ giới hạn ở mức “biết mặt” chứ hoàn toàn không hề “thân quen”.
Do đó, tôi không lập tức đồng ý điều gì mà chỉ nói rằng, “Tôi sẽ gọi lại cho cậu sau.”
Mười phút sau đó, tôi suy nghĩ và cuối cùng vẫn quyết định cho anh ta mượn tiền. Đúng một tháng sau đó, số tiền được hoàn trả nguyên vẹn vào tài khoản và người bạn đó ngỏ lời mời anh Đại Nguyên cùng đi uống trà.
Khi gặp nhau, anh bạn đó nói: “Tôi không ngờ lúc đó chính cậu lại đồng ý cho vay tiền đâu”.
Tôi hỏi: “Tại sao?”
“Trước khi gọi cho cậu, tôi đã liên lạc với tổng cộng 10 người khác nhau. Sau khi gọi cho cậu, tôi còn đang tính chắc mình phải hỏi thêm cả chục cuộc khác nữa cơ,” anh ta trả lời với giọng điệu khá ngậm ngùi: “Trước đó tưởng mình có nhiều bạn bè bao nhiêu thì bây giờ mới thấy cô đơn bấy nhiêu”.
Tôi thường tự nhận mình là người quảng giao, nhiệt tình và vui tính nên có khá nhiều mối quan hệ thân thiết. Những người bạn này đa phần không dính líu nhiều đến chuyện công việc mà đa số thường tụ tập đi chơi vui vẻ cùng nhau. Tôi cũng không ít lần đưa tay giúp đỡ họ trong vấn đề tài chính nếu có khó khăn. Vậy, nếu một ngày tôi cũng rơi vào cảnh thiếu thốn, liệu họ có sẵn lòng giúp lại tôi hay không?
Suốt nhiều ngày sau đó, tôi luôn suy nghĩ về chuyện này và bỗng nảy ra một ý định.
Tôi đồng thời nhắn tin cho 10 người khác nhau để hỏi vay một khoản tiền nằm trong khả năng tài chính của mỗi người với lý do gặp vấn đề gấp trong làm ăn, cần tạm thời mở rộng nguồn vốn lưu động và hứa hẹn sẽ trả lại đầy đủ cả vốn lẫn lãi trong 1 tháng. Nếu ai có thể cho vay, hãy gọi lại cho tôi, còn nếu không thì cứ thẳng thắn nhắn tin, không sao cả.
3 giờ đồng hồ sau khi tin nhắn được gửi đi, tôi nhận được 8 tin nhắn và 2 cuộc gọi. Những tin nhắn gửi tới rất nhanh, không quá một giờ đồng hồ với nội dung phần nào tương tự:
“Tôi thực sự xin lỗi! Lúc này tài chính của tôi cũng hơi khó khăn nên không thể giúp gì cho cậu được, thử hỏi anh Y xem. Xin lỗi nhé!”
“Tuần trước em trai tôi vừa hỏi vay vài chục triệu mất rồi, bây giờ chẳng còn đồng nào trong tay cả. Tôi thực sự xin lỗi!”
“Tôi cũng đang khá kẹt trong giai đoạn này, hôm trước thua nhiều quá ông ạ.”
“Tiền mặt bây giờ tôi không có, vừa đầu tư vào chứng khoán hết mất rồi, xin lỗi ông.”
“Tôi còn vừa phải đi vay hôm trước đây, không giúp gì được cho ông rồi!”
“Tuần sau con tôi đến thời hạn nộp học phí học thêm rồi, đắt đỏ lắm, thực sự không có cách nào giúp cậu bây giờ hết.”
…
Hai cuộc gọi lại lần lượt đến sau đó 1 giờ của anh Vương và 3 giờ của cậu Trương.
Trong cuộc gọi đầu tiên, anh Vương hỏi tôi với giọng sốt sắng: “Này, làm sao đấy? Cậu gặp chuyện gì mà phải vay tiền gấp thế?”
Tôi trả lời: “Không có gì đặc biệt đâu. Em đang cần quay vòng một số vốn lưu động hơi gấp nên hỏi anh xem sao.”
Anh Vương đáp: “Không có chuyện thì tốt. Bây giờ cậu ở đâu, công ty à?”
Tôi: “Vâng.”
Anh Vương: “Tôi còn đang ở nhà, mấy hôm nay nghỉ việc để đưa thằng bé đi viện, nó bị tai nạn gãy chân, mệt hết cả người.”
Tôi: “Sao không nghe anh nói gì thế, có cần giúp đỡ không?”
Anh Vương: “Kệ đi không cần đâu, tôi cũng xin nghỉ tuần này rồi. Bà nhà tôi lại không xin nghỉ nổi, tôi cũng định tuần sau nhờ ông bà lên giúp đỡ một tay rồi. Giờ tôi bận quá không ra cửa được, cậu gửi số ngân hàng đi, để tôi chuyển cho.”
Trong cuộc gọi thứ hai, cậu Trương là người em tôi quen biết từ thời đại học đã do dự hỏi chuyện: “Anh đang ở đâu đấy?”
Tôi trả lời: “Anh vẫn đang ở công ty.”
Cậu Trương: “Ồ, em cũng vừa từ cửa hàng về, cũng đang còn ít tiền mặt trong người đây. Bây giờ em qua công ty đưa hay anh về rồi qua lấy?
Tôi đáp: “Thôi về nhà rồi thì nghỉ đi, ai lại bắt cậu ra đường lần nữa. 30 phút nữa anh sẽ về qua chỗ cậu. Cảm ơn nhé!”.
Một thời gian sau, khi tôi gặp lại người bạn đầu tiên đã hỏi vay tiền và kể chuyện này. Trùng hợp là 2 người cho đồng ý cho tôi vay tiền trước giờ đều chưa hề nhờ vả gì, 8 người nhắn tin lại thường xuyên liên hệ để hỏi han, nhờ tôi tư vấn đầu tư, lựa chọn cổ phiếu, giới thiệu việc này việc nọ…
Anh bạn lắng nghe xong thì nhận xét: “Vậy là từ giờ trở đi, anh chỉ còn 2 người bạn”.
Sau câu chuyện đó, anh Đại Nguyên nhớ tới một cuốn sách từng nói rằng: “Những người đã giúp đỡ bạn sẽ luôn giúp đỡ bạn, nhưng những người bạn đã từng giúp đỡ họ thì chưa chắc”. Chính những lúc thực sự gặp khó khăn, chúng ta mới biết được nên tìm ai và đặt lòng tin tưởng vào ai cho chính xác.
Dù thực tế phũ phàng đến mấy, chúng ta vẫn phải phân định rõ, ai là Bạn, còn ai là Bè, ai chỉ có thể cùng chung vui, chứ khó có thể chung hoạn nạn. Cho dù chúng ta có nhiều mối quan hệ, cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta có nhiều người bạn thật lòng.
Nguồn:Tri Thức Trẻ