Dưới đây là 4 kiểu nhân viên mà không ai nên trở thành:
1. Kiểu nhân viên mang năng lượng tiêu cực
Lãnh đạo nào cũng hi vọng không khí ở công ty luôn hòa hợp, tích cực, cầu tiến, bất luận là công ty to hay nhỏ thì môi trường làm việc như vậy cũng rất có ích cho tinh thần của nhân viên. Nhưng có một số nhân tố không hiểu đạo lý nơi làm việc, luôn thích đi phá hỏng bầu không khí này.
Tôi có một đồng nghiệp, gần đây đã bị lãnh đạo cho nghỉ việc. Cậu ta có năng lực làm việc rất giỏi, nhưng lãnh đạo trước giờ chưa bao giờ trọng dụng, bởi cậu ta thích ca thán, phát tán đi năng lượng tiêu cực cho cả phòng, vì vậy, người hủy hoại tiền đồ của cậu ta không phải lãnh đạo mà là chính mình.
Khi lãnh đạo nói chưa hài lòng với công việc của cậu ta, cậu ta ngay lập tức sẽ ca thán với đồng nghiệp, nói lãnh đạo không đúng này nọ, khi cậu ta không thích đồng nghiệp nào đó, cậu ta cũng sẽ ca thán với đồng nghiệp khác, nói đồng nghiệp này không có lòng bao dung, đôi khi lãnh đạo sắp xếp công việc chưa được chu toàn, cậu ta sẽ chạy đi khắp nơi nói với mọi người mình vất vả ra sao. Lãnh đạo thậm chí đã tìm cậu ta nói chuyện vài lần, nhưng không có kết quả, cậu ta vẫn cứ chứng nào tật nấy. Để khôi phục lại môi trường làm việc lành mạnh trước kia, lãnh đạo đã cho sa thải cậu ta.
Ở nơi làm việc, nếu bạn là kiểu nhân viên mang quá nhiều năng lượng tiêu cực như vậy, vậy thì kết quả sẽ giống với người đồng nghiệp trên. Chẳng một nhóm nào có thể dung nạp được một người hay ca thán, nói nhiều hơn làm, bởi lẽ nguồn năng lượng tiêu cực ấy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh, bất lợi cho sự phát triển của cả đoàn.
Vì vậy, ở nơi làm việc, nhất định đừng mang trong mình nguồn năng lượng tiêu cực, nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được vị trí trong công ty, đồng nghiệp và lãnh đạo cũng sẽ không tin tưởng bạn, cuối cùng chỉ có thể dứt áo ra đi mà thôi.
2. Kiểu nhân viên không tích cực
Đi làm rồi mới phát hiện ra, những người được thăng chức tăng lương nhanh nhất thường là những người tích cực nhất, kiểu người này rất được lãnh đạo yêu thích. Những nhân viên không tích cực sẽ không dùng cái tâm của mình để đi đối đãi và nhìn nhận công việc, họ hoàn thành công việc như một cái máy, không bao giờ nghĩ sẽ làm công việc tới mức độ hoàn hảo. Kiểu nhân viên như vậy không những không khiến công ty trở nên xuất sắc hơn mà ngược lại còn là cái đuôi kéo cả nhóm lại, ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty. Một lãnh đạo nghiêm khắc sẽ không bao giờ dung nạp kiểu nhân viên này vào nhóm của mình bởi ho sẽ chẳng tạo ra được một chút đóng góp đáng kể hay chất lượng nào cả.
3. Kiểu nhân viên hay nịnh hót
Những người không hiểu biết luôn cho rằng chỉ cần tạo mối quan hệ tốt với lãnh đạo là sẽ có thể được thăng chức tăng lương. Mặc dù đôi khi tạo mối quan hệ tốt với lãnh đạo quả thực có tác dụng, nhưng điều kiện tiên quyết là bạn cũng phải có năng lực, có thành tích. Nhiều người vì muốn thân thiết hơn với cấp trên mà không tiếc lời nịnh nọt, bởi lẽ đây là cách nhanh gọn nhất, nhưng làm vậy có thực sự có được thiện cảm của lãnh đạo?
Trên thực tế là có tác dụng nhưng với điều kiện là nó chỉ dừng lại ở một mức độ phù hợp nào đó bởi cái gì quá cũng không tốt, nịnh nọt quá đà ngược lại sẽ chỉ khiến lãnh đạo thấy bạn giả tạo, sẽ khiến lãnh đạo càng ghét bạn thêm mà thôi. Dùng thực lực tạo ra thành tích so với việc cả ngày chỉ ngồi nghĩ xem hôm nay nên nịnh sếp ra sao có tác dụng hơn rất nhiều, bởi có thành tích là bạn đang tạo ra lợi nhuận cho công ty và cho cả chính bản thân sếp, lãnh đạo tất nhiên có thiện cảm với bạn hơn, trọng dụng bạn hơn. Một người lãnh đạo khi nhìn nhận một nhân viên, thứ đầu tiên họ nhìn nhận chính là năng lực chứ không phải khả năng nịnh nọt.
4. Kiểu nhân viên nhân phẩm không tốt, không trọng đạo nghĩa
Con người có rất nhiều khuyết điểm, nhìn thấy lợi lộc là sáng mắt lên chính là một trong số đó. Rất nhiều người vì lợi ích mà từ bỏ đi cái đạo đức tối thiểu nhất của mình. Bất luận là ai, ở nơi làm việc, nếu muốn sinh tồn được lâu dài, nhất định phải có nhân phẩm. Có thể năng lực của bạn không quá giỏi nhưng bạn vẫn được lãnh đạo trọng dụng bởi nhân phẩm đoan chính, không vì thấy lợi mà quên nghĩa. Ở nơi làm việc, lãnh đạo không chỉ thử thách năng lực mà còn thử thách cả nhân phẩm của nhân viên, chỉ khi cảm thấy bạn đủ tin tưởng, lãnh đạo mới muốn giao những công việc quan trọng cho bạn. Nhớ rằng, sống không hổ thẹn với mình, nhân phẩm tốt nhất định sẽ sinh tồn được lâu dài ở nơi làm việc.
Nguồn:Tri Thức Trẻ