Đời Sống

Thành phố Huế có thể được mở rộng gấp 5 lần

Tổng diện tích của thành phố Huế khi mở rộng sẽ trên 300 km2, gấp 5 lần hiện tại, để hướng đến xây dựng thành phố di sản trực thuộc trung ương.

Không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, quy định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Căn cứ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014, mục tiêu, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là đáp ứng được các mục tiêu cụ thể, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại song song với việc giữ gìn các yếu tố cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2.

Theo đánh giá, từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh; đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện cho đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như trong nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ từng khẳng định, việc xây dựng đô thị Huế trở thành Đô thị di sản – thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” xứng tầm là trung tâm văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực là hết sức cần thiết, đây cũng là sự mong mỏi của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh.

Huế có nhiều di sản văn hóa song là một trong những thành phố có diện tích nhỏ nhất nước. Hạ tầng xã hội khu vực trung tâm của thành phố đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Tỉnh muốn thành phố Huế có diện tích lớn hơn để tạo điều kiện phát triển về sau.

Năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế từng tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhà khoa học, nhà nghiên cứu về phương án tổ chức các đơn vị hành chính nếu Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Chuẩn bị cho việc mở rộng thành phố Huế, nhiều năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, cơ sở hạ tầng về phía nam thành phố. Tỉnh lập khu đô thị mới An Vân Dương rộng hơn 1.700 ha thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), xã Thủy Vân, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) và phường An Đông (Huế). Nhiều tuyến đường lớn được mở như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt. Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang được xây dựng trong khu đô thị mới An Vân Dương.

Nguồn:Tri Thức Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top