Chuyện đời

Ba lời an ủi bạn dễ nghe được từ người “mồm mép tép nhảy”: Cảm xúc chỉ có thể tệ hơn, hãy tránh xa!

Trong thế giới của người lớn, sẽ có vô số những lúc con người ta trở nên yếu đuối. Khi đó, gặp người giỏi ăn nói thì mây mù tan biến, còn gặp kẻ không biết an ủi thì đã buồn còn thêm đau. Bạn không thể trở thành người dẻo miệng trong một sớm một chiều, nhưng có một số phương thức an ủi sai lầm vốn có thể nhớ mà tránh được, dưới đây là ba ví dụ.

1. An ủi kiểu so sánh: “Bạn thế đã là gì, tôi còn khổ hơn!”

Đây là kiểu an ủi sai lầm thường gặp nhất.

Hôm nay tôi tăng ca suốt cả một ngày, cả cơm cũng chưa kịp ăn nữa.

Thế đã là gì, dạo trước tôi đi công tác còn ngồi trên xe một ngày một đêm, đừng nói ăn cơm, ngủ cũng không yên nữa.

Cứ như thể chỉ cần so sánh, là vấn đề của đối phương sẽ trở nên chẳng đáng gì vậy. Logic so đo nỗi khổ này rất dễ khiến người nghe cảm thấy khó chịu vì không được thấu hiểu.

Hơn nữa, một câu “Tôi còn khổ hơn bạn” đã tước đoạt quyền được giải tỏa cảm xúc của người khác. Nó không chỉ hoàn toàn phủ định tính hợp lý của sự bức xúc trong lòng đối phương, mà còn lập tức kéo chủ đề cuộc nói chuyện sang vấn đề của người nói.

Nói vậy là coi thường xảm xúc của người khác, đồng thời phóng đại nỗi khổ của bản thân.

“Vui buồn của mỗi người là không giống nhau.” Nếu không thể đồng cảm, thì ít nhất cũng đừng dùng phương thức so sánh nỗi khổ để hạ thấp nỗi đau của người khác.

2. An ủi kiểu giả vờ hiểu: “Tôi hiểu, tôi hiểu mà…”

Trước khi nghiêm túc lắng nghe, xin đừng tùy tiện nói hiểu.

Người đang chia sẻ nỗi buồn sợ nhất là gặp kiểu “thính giả” thế này. Mình còn chưa nói xong mà người kia đã gật gù nói hiểu rồi, sau đó bắt đầu kết luật: “Tôi thấy bạn cũng có cái sai đó.”

Không trút được phiền não ra ngoài, ngược lại còn phải bào chữa cho bản thân, phân tích cái khổ của mình ra cho người ta hiểu.

Mỗi người đều có những trải nghiệm, suy nghĩ, giá trị quan khác nhau. Bạn không phải người ta, làm sao dễ dàng hiểu được cảm giác của người ta chứ?

Có những lúc, người an ủi vì vội thể hiện lập trường mà hấp tấp nói rằng mình rất hiểu người nói. Còn chưa nghe hết điều khiến người ta suy nghĩ đã bắt đầu an ủi rồi.

Nhưng thực ra, rất nhiều lúc, lắng nghe quan trọng hơn giỏi nói nhiều. Nếu người ngồi cạnh bạn đang không ngừng trút bực bội của mình ra ngoài, thì đừng vội bình luận, kiên nhẫn lắng nghe mới là liều thuốc tốt nhất cho họ.

Ba lời an ủi bạn dễ nghe được từ người mồm mép tép nhảy: Cảm xúc chỉ có thể tệ hơn, hãy tránh xa! - Ảnh 2.

3. An ủi kiểu bề trên: “Chuyện đấy thì có gì mà to tát?”

Coi thường vấn đề của người khác cũng là một sai lầm thường gặp.

Khi một người chia sẻ những nỗi đau của họ với bạn, thì cũng đồng nghĩa với việc họ đang cho bạn thấy một mặt yếu đuối, dễ tổn thương của mình.

Lúc này, tàn nhẫn nhất chính là nói với họ: “Chẳng có gì to tát, bạn phải kiên cường lên.”

Câu nói đó thực ra có nghĩa là: chuyện chẳng có gì khó khăn, là bạn không đủ mạnh mẽ mà thôi. Kiểu an ủi như thế, về bản chất, chính là phủ định quyền được đau khổ của người khác, khinh thường cảm xúc của họ.

Khi ai đó đang vô cùng đau khổ, nếu đến cả việc “có cảm xúc” cũng bị coi là “quá yếu đuối”, thì cũng không khác gì bị tổn thương thêm một lần nữa.

Khi an ủi người khác, chúng ta rất dễ phạm lỗi đánh giá nỗi khổ của người khác trên cương vị của mình, rồi cho là đã hiểu người ta lắm. Chúng ta quên mất rằng đối với người đang cần an ủi, thái độ quan trọng hơn sự thật nhiều.

Ba lời an ủi bạn dễ nghe được từ người mồm mép tép nhảy: Cảm xúc chỉ có thể tệ hơn, hãy tránh xa! - Ảnh 3.

An ủi người khác là một việc vừa đơn giản vừa phức tạp. Đơn giản ở chỗ, có những lúc chỉ một câu nói đã có thể chữa lành vết thương trong tim người ta. Nhưng lại phức tạp ở chỗ, trong cái xã hội đến tình yêu cũng có thể bị công thức hóa này, việc an ủi lại chẳng thể có giáo trình. Tuy vậy, vẫn có những câu nói, bạn tránh nói ra, người nghe sẽ tránh được rất nhiều tổn thương.

Nguồn:Tri Thức Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top