Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tập đoàn FPT được tổ chức chiều nay (31/3), ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện về độ tuổi của ban lãnh đạo và động lực tăng trưởng cho FPT trong thời gian tới.
“Hỏi ban lãnh đạo của FPT có già hay không thì tôi thấy vấn đề không nằm ở tuổi tác mà tôi quan tâm họ làm việc, sáng tạo, nỗ lực như thế nào, đóng góp vào tập đoàn ra sao”, ông Bình nhận định.
Theo người đứng đầu FPT, số nhân sự cấp cao có độ tuổi trên 60 tại tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam thực tế chỉ có vài người, còn lại hầu hết nhân sự cấp quản lý nằm trong độ tuổi khoảng 35-45 tuổi, và đây là những người tạo ra doanh thu, lợi nhuận chính cho FPT.
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh, sự kết hợp giữa lớp lãnh đạo đi trước và những nhân sự quản lý với độ tuổi trẻ hơn mới thực sự tạo nên động lực tăng trưởng cho đơn vị này.
“Bây giờ nếu đi gặp những khách hàng là các tập đoàn hàng đầu thế giới, những người đứng đầu tập đoàn về công nghệ như Google, AT&T hay những bộ trưởng, chủ tịch thành phố, vẫn là những người như chúng tôi. Những người trẻ hơn dù có chức vụ nhưng vẫn cần phải tích lũy kinh nghiệm”, ông Bình cho biết.
Theo ông Trương Gia Bình, sự kết hợp giữa nhóm lãnh đạo cấp cao cùng lớp lãnh đạo kế cận với tuổi đời trẻ hơn đang trở thành động lực tăng trưởng cho FPT.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về công tác chuẩn bị nhân sự cho tương lai của tập đoàn, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, FPT là một trong những tập đoàn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho lớp lãnh đạo kế cận.
“Chúng tôi đưa ra chương trình đào tạo cấp tập đoàn và đang tiếp tục triển khai nhằm phát triển năng lực của lớp lãnh đạo trẻ. Ở FPT quan trọng người lãnh đạo là người có thể giải quyết những vấn đề mà ở cấp thấp hơn không giải quyết được, đưa ra giải pháp và đôi khi là thực hiện giải pháp đó”, ông Bình nhận định.
Về hoạt động kinh doanh, định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT trong tương lai, với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 30% trong năm 2017. Lãnh đạo FPT cũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2020, doanh thu từ khu vực này sẽ đạt 1 tỷ USD.
Theo đó, ban lãnh đạo FPT đặt mục tiêu năm 2017 với doanh thu tăng trưởng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 13% so với 2016, tương đương 46.619 tỷ đồng và 3.408 tỷ đồng.
Đối với việc thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, để đảm bảo việc thoái vốn thành công trong năm 2017, công ty có định hướng tách riêng từng mảng và đưa ra các mức mua cổ phần linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.
Theo ông Trương Gia Bình, lý do thoái vốn là bởi FPT mong muốn có sự tăng trưởng nhanh và bền vững dài hạn, trong bối cảnh thương mại tại Việt Nam có giới hạn. “Chúng ta muốn trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, và rất nhiều lần cổ đông từng yêu cầu tách mảng thương mại và bán lẻ ra”, ông Bình cho biết.
Năm 2016, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 40.545 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế tăng 6% so với năm trước, đạt 3.014 tỷ. Thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả khả quan với 6.121 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và đạt 936 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Đại hội cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2016 với tỷ lệ 35%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 20% (2.000 đồng mỗi cổ phần và 15% bằng cổ phiếu.
Minh Sơn