Chuyện đời

Con à, sống trên đời đừng làm kẻ hiểu chuyện. Cha mong con học được cách nói “Không”!

Một đứa bé không phải là một chiếc lọ hoa để đổ cho đầy nước mà là một ngọn lửa cần được thắp sáng.

(01)

Lần trước lúc đưa con đi học về, tôi tình cờ nhìn thấy một cậu bé đang ôm chân mẹ mình bảo: “Mẹ, con xin lỗi mẹ. Sữa mẹ bỏ trong cặp, con đã lấy ra bỏ trên cái bàn ngoài phòng khách rồi. Con thật sự không muốn uống nữa đâu.”

Nghe được câu đó, mẹ đứa bé lập tức gắt gỏng: “Sao con không chịu nghe lời thế hả?…”

Cũng may là ba đứa bé kịp can ngăn: “Con mình nói đúng mà! Nếu đã không muốn uống thì đừng uống nữa. Con trai, dù là khi giao tiếp với mẹ con hay với người khác cũng vậy, nếu con không thích, nên học cách từ chối, nói rõ quan điểm của mình, đừng cư xử theo kiểm ậm ờ, không thích mà cứ bảo thích như lúc đầu.”

Có nhiều bà mẹ, sợ con mình đói, không đủ chất dinh dưỡng nên thường mua rất nhiều thức ăn rồi bỏ vào cặp và bắt chúng mang theo đi học, ra chơi lấy ra ăn. Tình cảm của người làm mẹ dành cho con thật vĩ đại, nhưng đôi khi cứ giáo dục, cư xử với con cái như vậy mãi cũng không phải là cách hay.

Bạn cũng nên tôn trọng xem con mình có thích món đó hay không, có ăn được thứ đó hay không. Bởi vì dù sao con cũng đã lớn rồi, mỗi ngày đi học chúng ta thường cho chúng một số tiền đi học, trong trường của chúng có bán rất nhiều thứ. Chúng ta không nên ép con mình như thế rồi tạo cho chúng thói quen ỷ lại vào việc có sẵn, chúng ta hãy để con mình dùng số tiền đi học hằng ngày ấy tự mua thức ăn ở căn tin mà chúng thích, để đứa trẻ học được cách tự quản lý tiền bạc, tự tiết kiệm, tự chủ trương ngay từ khi còn nhỏ.

Con à, sống trên đời đừng làm kẻ hiểu chuyện. Cha mong con học được cách nói Không! - Ảnh 1.

(02)

Mong muốn con cái hiểu chuyện là mơ ước chung của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng thực tế chứng minh, rất nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ vô cùng hiểu chuyện, đến lớn chúng lại không hạnh phúc, không vui vẻ gì cả. Nguyên nhân là vì trong mắt một vài bậc phụ huynh, những đứa trẻ “hiểu chuyện” là những đứa trẻ nói gì nghe đó, không bao giờ dám cãi lời họ, mà chỉ luôn làm theo ý họ.

Khi còn nhỏ, cha mẹ yêu cầu con cái chăm ngon, học giỏi, hiểu chuyện, lúc này thành tích học tập của chúng có thể sẽ rất cao. Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên rồi, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tính cách cá nhân của chúng. Đặc biệt là sau khi những đứa trẻ trưởng thành, nếu bố mẹ vẫn bắt con mình “hiểu chuyện” hoài như thế, điều này có thể dẫn đến tác động tiêu cực cho con trẻ.

Con trai lớn của đồng nghiệp tôi cũng là một đứa trẻ “hiểu chuyện” như thế. Kể từ khi còn nhỏ, cậu bé ấy luôn là con ngoan trò giỏi chính hiệu trong mắt mọi người, ba mẹ nói gì cũng nghe theo, không hề dám cãi lại câu nào. Đến khi học đại học, cậu ta quen một cô bạn gái, nhưng vì nhà cô gái này không môn đăng hộ đối với nhà đồng nghiệp tôi, nên hai vợ chồng cô ấy đều từ chối hôn sự này, cuối cùng đến khi tốt nghiệp, con trai cô ấy và bạn gái phải chia tay nhau, mỗi người một phương.

Sau này, vợ chồng họ tìm một người con gái khác, bảo con trai kết hôn. Dù không thích, nhưng cậu ấy cũng đồng ý. Nhưng mới mấy ngày trước, hai người họ vừa ly hôn nhau. Tính cách không hợp, lại không có tình cảm với nhau, cuộc hôn nhân giữa hai đứa trẻ tan vỡ bởi sự sắp đặt của người nhà.

Ở công ty, chúng ta thường thấy, đa số những người được thăng chức, tăng lương đều là những người dám bày tỏ ý kiến, dám đấu tranh vì lợi ích hợp pháp riêng của mình; ngược lại những người hay ngại ngùng, có bất bình cũng không dám nói ra, đều thường không được như ý nguyện. Tính cách của một người, có liên quan rất nhiều đến hoàn cảnh sống và sự giáo dục mà họ nhận được lúc còn nhỏ.

(03)

Trong quá trình giáo dục, nên dành không gian riêng cho trẻ tự phát triển. Hãy để trẻ học cách nói không với những gì chúng không thích, hoặc không phù hợp với bản thân chúng.

Nếu một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn, ngay cả ăn cái gì cũng không thể tự quyết định được, ngay cả người yêu cũng phải để ba mẹ quyết định, thì làm sao chúng có thể trưởng thành, sống độc lập được đây? Làm sao có thể hạnh phúc?

Đối với con cái mà nói, cách giáo dục tốt nhất không phải là ba mẹ nói gì con làm nấy, đó là suy nghĩ mù quáng, bởi ý kiến của ba mẹ chưa chắc lúc nào cũng đúng hết. Khi bạn và con cái có mâu thuẫn, cả hai nên bình tĩnh ngồi xuống, biểu đạt rõ ràng suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên tôn trọng và đối xử bình đẳng với con cái.

Tại sao hầu hết những đứa trẻ đều có một thời kỳ nổi loạn? Bởi vì lúc đó chúng dần có suy nghĩ riêng, hiểu biết riêng về mọi thứ trong cuộc sống. Chúng nhận ra cách suy nghĩ của cha mẹ quá “chuyên quyền”, và vì vậy, chúng nổi loạn để chống lại “quyền lực” của cha mẹ, của giáo viên.

Trong lúc này, cha mẹ nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ xem ý con mình là đúng hay sai. Nếu sai chúng ta hãy giải thích rõ ràng, thuyết phục con mình hiểu. Nếu đúng thì hãy thả lỏng và cho con một bầu trời tự do riêng, không nên ép buộc chúng quá nhiều.

Cha mẹ luôn là những người khổ tâm và quan tâm con cái nhất. Nhưng mỗi đứa trẻ đều có những điều ngây thơ, thuần khiết cũng như hoang dã riêng trong tính cách của chúng, không ai giống ai. Chúng ta không mong muốn bị áp đặt, vậy chúng ta cũng đừng nên áp đặt quá nhiều lên con cái.

Nguồn:Trí Thức Trẻ

Bài viết nổi bật

To Top