“IoT Startup 2017” là cuộc thi do Vườn ươm Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP-IC) tổ chức.
IoT là sự hội tụ giữa công nghệ không dây, vi mạch điện tử và Internet. Đây là viễn cảnh các đồ vật, thiết bị kết nối với nhau nhằm mang đến sự thuận tiện trong cuộc sống cho con người.
Tác động của IoT đa dạng trên mọi lĩnh vực như quản lý hạ tầng, y tế, xây dựng và tự động hóa, giao thông… Trên thế giới, IoT đang tiến sâu vào các ngành công nghệ chủ đạo, mang đến cơ hội chuyển đổi chiến lược kinh doanh cho các công ty.
Các dự án giành giải cao tại cuộc thi “IoT Startup” năm 2016.
Những năm gần đây, IoT đang thâm nhập vào Việt Nam với tốc độ nhanh. Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Khu công nghệ cao, Việt Nam có nhiều lợi thế khi triển khai IoT.
“Chúng ta đã có sẵn hạ tầng viễn thông tốt, được kết nối 3G và sắp tới là 4G. Các công ty tích hợp hệ thống cũng rất mạnh, họ rất thành công ở thị trường nước ngoài nên sẽ có nhiều kinh nghiệm khi triển khai ở Việt Nam”, ông cho biết.
Người dân Việt Nam cũng thích ứng khá nhanh với công nghệ. Hiện tỷ lệ người dùng smartphone và có kết nối Internet chiếm 40% dân số. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp cũng như cộng đồng khởi nghiệp công nghệ.
Theo khảo sát do Gartner công bố hồi đầu năm 2016, 64% doanh nghiệp được hỏi sẵn sàng với IoT và mỗi ngày có 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối.
Viện Nghiên cứu McKinsey Global Institute dự báo đến năm 2025, tác động của IoT lên nền kinh tế toàn cầu đạt mức 6.200 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp IoT trong tương lai.
Năm 2016, cuộc thi IoT Startup thu hút hơn 80 dự án chất lượng tham gia. Ban tổ chức cho biết, các dự án giành giải năm ngoái đã đạt kết quả tốt, như Đèn đường thông minh S3 triển khai thành công giải pháp tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Dự án Khu đô thị ở TP HCM và Khóa cửa thông minh GLock cũng đã thương mại hóa và được thị trường đón nhận.
Trương Sanh